Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

“Đãi vàng” ở UPCOM

12:24 25/05/2024

VTP, VGI, VEA, QNS, MCH đang là những “ngôi sao” sáng ở sàn UPCOM. Nếu kiên trì nắm giữ từ đầu năm 2024 tới nay, nhà đầu tư hoàn toàn có thể "ăn bằng lần". Điều mà MWG hay HPG - các mã được tiếng là cổ phiếu "quốc dân" - cũng khó sánh bằng.

VGI 

Cổ phiếu VGI của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel tăng gần 235% kể từ mức đáy cuối tháng 2/2024.

Cú "đạp ga" giúp cổ phiếu VGI liên tục phá đỉnh trong 3 tháng qua, và tạm dừng chân ở mức 86.400 đồng/cp (tính đến cuối phiên 24/5).

Diễn biến giá cổ phiếu VGI từ đầu năm 2024 - Nguồn: TradingView

Cổ phiếu "bốc đầu" đẩy vốn hóa của Viettel Global lên cao kỷ lục hơn 286.700 tỷ đồng (khoảng 11,8 tỷ USD), tăng 8,5 tỷ USD từ đầu năm. 

Điều này giúp Viettel Global vượt qua hàng loạt tên tuổi như Vingroup, Vinhomes, Hòa Phát, Vinamilk và mới nhất là BIDV để leo lên vị trí số 2 sàn chứng khoán về quy mô vốn hóa, chỉ sau Vietcombank. 

Đà tăng này dường như được trợ lực bởi tình hình kinh doanh khả quan trong quý I/2024 khi Viettel Global ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tới 175% so với cùng kỳ, lên mức 1.633 tỷ đồng.

MCH 

Cổ phiếu MCH của CTCP Hàng tiêu dùng MASAN cũng chứng kiến đà tăng gần 140% chỉ trong 3 tháng, liên tiếp lập đỉnh mới.

Nếu tính từ tháng 5/2023, cổ phiếu này đã tăng gấp 3 lần, đưa vốn hóa công ty đạt 125.205 tỷ đồng, vượt cả vốn hóa của tập đoàn mẹ (113.659 tỷ đồng).

Diễn biến giá cổ phiếu MCH từ đầu năm 2024 - Nguồn: TradingView

MCH đang có kế hoạch chuyển sàn HoSE. Trước khi chuyển sàn, công ty có đề xuất ủy quyền cho ban lãnh đạo MCH xem xét kế hoạch sử dụng toàn bộ lợi nhuận giữ lại đến cuối năm 2023 để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 100%. 

Quyết định chia cổ tức 'khủng' diễn ra sau một năm kinh doanh khả quan của Masan Consumer khi tăng trưởng phi mã kể từ năm 2018 đến nay.

Riêng năm 2023, MCH thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới với mức lãi sau thuế 7.195 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022. 

BSR

Cổ phiếu BSR của CTCP Lọc - Hóa dầu Bình Sơn mặc dù không có đà tăng “dựng đứng”, nhưng nếu kiên trì nắm giữ cổ phiếu từ giai đoạn đầu năm 2023, "chứng sĩ" có thể đã "x2" tài khoản. 

Diễn biến giá cổ phiếu BSR từ đầu năm 2024 - Nguồn: TradingView

Cổ phiếu BSR "nổi sóng" trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 khi “bật” tăng 25%, qua đó giúp vốn hóa tăng thêm 12.400 tỷ đồng chỉ trong 2 tuần.

Tại đại hội năm nay, Hội đồng quản trị BSR đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu hơn 95.274 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 1.148 tỷ đồng, lần lượt giảm mạnh 37% và 87% so với kết quả thực hiện năm 2023.

Đáng chú ý, BSR cho biết sẽ tiếp tục triển khai việc chuyển 3,1 tỷ cổ phiếu từ sàn UPCoM sang niêm yết trên HOSE khi có đủ điều kiện ngay trong năm 2024.

Ngoài ra, BSR đang xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ 31.000 tỷ đồng lên 50.000 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu khi dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vì lãi vay đang rất cao.

Tất nhiên, còn nhiều cổ phiếu khác trên sàn UPCOM cũng ghi nhận mức tăng phi mã. VTP, VEA hay QNS cũng là những "ngôi sao" sáng đang niêm yết tại đây. 

Cổ phiếu niêm yết trên sàn UPCOM có biên độ giá trong ngày lên tới 15%. Điều này, một mặt, giúp các cổ phiếu niêm yết trên sàn có dư địa tăng trong này vượt trội so với sàn HNX và HOSE. Nhưng, ở chiều giảm, rủi ro thua lỗ cũng lớn hơn.

Câu chuyện tăng giá của cổ phiếu có lẽ sẽ bền vững hơn nếu gắn liền với câu chuyện tăng trưởng của doanh nghiệp, được hiện thực hóa bằng kết quả kinh doanh.

Theo dữ liệu của Vietcap, VGI đang được giao dịch ở mức P/E trượt (giá cổ phiếu hiện tại chia cho tổng lợi nhuận (EPS) 4 quý gần nhất) kỷ lục, lên tới 195 lần. Hệ số  này ở MCH và BSR lần lượt đạt 18 lần và 8,7 lần./.