Warren Buffett chỉ trích chính sách thuế quan và chủ nghĩa bảo hộ: “Thương mại không nên là vũ khí”
09:11 04/05/2025
Tại cuộc họp cổ đông thường niên của tập đoàn Berkshire Hathaway ngày 3/5, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett đã lên tiếng chỉ trích chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Donald Trump, cho rằng việc áp thuế trừng phạt với phần còn lại của thế giới là một sai lầm lớn.
“Thương mại không nên là một loại vũ khí”, Buffett phát biểu trước hàng nghìn cổ đông tại Omaha, Nebraska. “Tôi tin rằng một thế giới càng thịnh vượng thì cũng sẽ có lợi cho chúng ta. Chúng ta sẽ càng thịnh vượng hơn, cảm thấy an toàn hơn, và con cháu các bạn cũng vậy”.
Buffett nói thêm rằng thuế quan và các rào cản thương mại “có thể là một hành động chiến tranh”. “Tôi cho rằng điều đó đã gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực, cả về mặt thái độ. Tại Mỹ, lẽ ra chúng ta nên tích cực mở rộng thương mại với thế giới. Mỗi quốc gia nên tập trung làm tốt nhất điều họ có thế mạnh”, Buffett chia sẻ.
Warren Buffett chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Berkshire Hathaway
Phát biểu này được xem là một trong những bình luận mạnh mẽ nhất của Buffett từ trước đến nay về chính sách thuế quan, diễn ra sau khi Nhà Trắng công bố mức thuế nhập khẩu cao nhất trong nhiều thế hệ – động thái khiến thị trường Phố Wall chao đảo trong tháng trước.
Ngay sau đó, chính quyền Trump bất ngờ thông báo tạm hoãn phần lớn mức thuế trong vòng 90 ngày (trừ Trung Quốc) để mở đường cho các cuộc đàm phán song phương. Động thái này phần nào giúp thị trường hạ nhiệt.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn áp mức thuế lên tới 145% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm nay, và Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125%. Tuần trước, phía Trung Quốc cho biết đang xem xét khả năng nối lại đàm phán thương mại với Mỹ.
Buffett cảnh báo rằng, chủ nghĩa bảo hộ có thể để lại hậu quả dài hạn cho nước Mỹ – nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới.
“Theo tôi, thật nguy hiểm khi bạn khiến 7,5 tỷ người ngoài kia không có cảm tình với mình, trong khi 300 triệu người trong nước lại đang vỗ ngực tự hào về những gì đã làm được — tôi không nghĩ đó là điều đúng đắn hay khôn ngoan”, ông nói. “Nước Mỹ đã chiến thắng. Chúng ta đã vươn lên trở thành một cường quốc vĩ đại, từ con số 0 cách đây 250 năm. Chưa từng có tiền lệ nào như vậy”.
Giới đầu tư rất mong chờ góc nhìn của “Nhà hiền triết xứ Omaha” – hiện đã 94 tuổi – về cách điều hướng giữa bối cảnh vĩ mô đầy biến động, cùng những nhận định của ông về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Với danh mục đầu tư đồ sộ trải dài từ bảo hiểm, giao thông, năng lượng đến bán lẻ – gồm các tên tuổi như Geico, Burlington Northern hay Dairy Queen – Buffett sở hữu góc nhìn hiếm có về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Trong báo cáo tài chính quý 1, Berkshire cho biết các yếu tố địa chính trị và thuế quan đã tạo ra “mức độ bất định đáng kể” đối với tập đoàn. Tuy nhiên, công ty cho biết chưa thể dự đoán được tác động cụ thể từ các chính sách thuế quan.
Buffett hiện đang ở thế phòng thủ, đã bán ra cổ phiếu suốt 10 quý liên tiếp. Trong năm 2024, Berkshire đã xả hơn 134 tỷ USD cổ phiếu, chủ yếu do giảm tỷ trọng ở hai khoản đầu tư lớn nhất là Apple và Bank of America. Nhờ hoạt động bán tháo này, lượng tiền mặt của Berkshire đã tăng lên mức kỷ lục mới – đạt 347 tỷ USD vào cuối tháng 3./.