Nếu phương án trên được thông qua, "viên kim cương gia bảo" của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sẽ phải chi ra khoảng 7.246 tỷ đồng để hoàn tất đợt tạm ứng cổ tức.
Đáng chú ý, MCH cũng xin ý kiến cổ đông về việc chào bán 326,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ thực hiện quyền là 45,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được mua 451 cổ phiếu mới).
Giá chào bán dự kiến là 10.000 đồng/cp, chỉ bằng 1/20 so với thị giá cổ phiếu MCH trên sàn chứng khoán. Nếu phương án này được thông qua và thực hiện thành công, vốn điều lệ của MCH sẽ tăng từ 7.355,5 tỷ đồng lên 10.623,6 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền gần 3.268 tỷ đồng thu về từ đợt chào bán cổ phiếu sẽ được MCH dùng để trả nợ vay ngân hàng và tiền thuê văn phòng.
Phương án chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ của MCH được đưa ra trong bối cảnh công ty này đang có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn HOSE.
Trong báo cáo phân tích hồi tháng 4/2024, CTCP Chứng khoán TP. HCM (HSC) đánh giá, 93,8% cổ phần của MCH do Công ty TNHH Masan Consumer Holdings – một công ty con của Masan Group - nắm giữ.
Do đó tỷ lệ free float - cổ phiếu tự do chuyển nhượng - chỉ là 6,2%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ free float trung bình của VNallshare là 52,8% và free float trung bình của VN30 là 43,8%.
Để niêm yết thành công, HSC cho rằng MCH cần phải tăng tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, nghĩa là công ty có thể giảm tỷ lệ sở hữu của Masan Consumer Holdings (và theo đó là quyền sở hữu gián tiếp của Masan Group) thông qua việc phát hành cổ phiếu mới hoặc bán cổ phiếu được sở hữu bởi Masan Consumer Holdings./.