Trọng Hiếu Thứ Hai, 30/9/2024, 17:23 (GMT+7)
Người theo dõi

Vụ Vạn Thịnh Phát: Sau Amigo, bà Trương Mỹ Lan muốn bán toàn bộ vốn góp tại Bảo hiểm FWD Việt Nam để khắc phục hậu quả

Bà chủ Vạn Thịnh Phát nói rằng từng có người trả 200-300 triệu USD để mua lại lô cổ phần tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam nhưng không bán.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Sau Amigo, bà Trương Mỹ Lan muốn bán toàn bộ vốn góp tại Bảo hiểm FWD Việt Nam để khắc phục hậu quả

Bà Trương Mỹ Lan tại toà (Ảnh: Người Lao động)

Thông tin trên được bà Trương Mỹ Lan cho biết tại phiên tòa xét xử giai đoạn 2 của vụ án Vạn Thịnh Phát diễn ra vào hôm nay (30/9). 

Theo hồ sơ vụ án, cơ quan chức năng đã kê biên 82% (giá trị khoảng 492 tỉ đồng) vốn góp của bà Trương Mỹ Lan tại Công ty TNHH Bảo hiểm FWD Việt Nam (FWD Assurance Việt Nam). 

Bà Lan cho hay, số cổ phần này không thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và không có liên quan đến Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB). Bà mong HĐXX giải tỏa kê biên để bà có thể bán cổ phần và dùng số tiền đó khắc phục hậu quả vụ án.

Đáng chú ý, bà chủ Vạn Thịnh Phát kể rằng từng có người trả 200-300 triệu USD (khoảng 7.000 tỷ đồng) để mua lại lô cổ phần tại FWD Assurance Việt Nam nhưng bà không bán. 

Định vị FWD Assurance Việt Nam

Theo tìm hiểu của người viết, cập nhật tại báo cáo tài chính gần nhất mà FWD Assurance Việt Nam công bố - tính đến ngày 30/6/2024, công ty bảo hiểm này có quy mô tài sản khá khiêm tốn, ở mức 2.502,3 tỷ đồng, với 58 nhân viên. 

FWD Assurance Việt Nam được thành lập vào tháng 10/2008, tiền thân là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank-Cardif (VCLI). Đến tháng 4/2020, Tập đoàn FWD thâu tóm VCLI và đổi tên công ty này thành FWD Assurance Việt Nam.

Công ty này sau đó tiếp tục được sang tay cho nhóm nhà đầu tư mới. Cụ thể, trung tuần tháng 3/2022, Bộ Tài chính đã chấp thuận về nguyên tắc việc FWD Life Insurance Company (Bermuda) Limited chuyển nhượng 100% vốn FWD Assurance Việt Nam sang nhóm 11 nhà đầu tư. 

Theo đó, mỗi nhà đầu tư mới sẽ sở hữu không quá 10% cổ phần FWD Assurance Việt Nam. CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) là bên nhận uỷ quyền từ nhóm các nhà đầu tư này để thực hiện các thủ tục liên quan đến giao dịch chuyển đổi quyền sở hữu.

FWD Assurance Việt Nam cho biết đã nộp báo cáo hoàn tất giao dịch tới Bộ Tài chính vào tháng 4/2022. Tại báo cáo tài chính bán niên năm 2024, công ty cho biết Bộ Tài chính vẫn chưa phê duyệt việc điều chỉnh giấy phép thành lập vào hoạt động. “Công ty vẫn đang trong quá trình cung cấp thêm thông tin tới Bộ Tài chính về giao dịch chuyển nhượng vốn này”, FWD Assurance Việt Nam thông tin.

Một doanh nghiệp bảo hiểm khác mang “họ” FWD đang hoạt động trên thị trường Việt Nam là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam. Công ty này được thành lập theo giấy phép mà Bộ Tài chính cấp ngày 23/11/2007, là công ty con thuộc 100% sở hữu của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD (Bermuda) - thành viên của Tập đoàn FWD. 

So với FWD Assurance Việt Nam, Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam có quy mô tài sản ấn tượng hơn hẳn, với giá trị đạt 20.441,1 tỉ đồng - tính đến cuối quý II/2024.

 

 Trước đó, tại phiên toà sáng 24/9, bà Trương Mỹ Lan cho biết sẽ bán một loạt tài sản là bất động sản để có tiền khắc phục cho trái chủ, trong đó có ‘siêu dự án’ Amigo tại khu tứ giác Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng (Quận 1, Tp. HCM).

Theo bà chủ Vạn Thịnh Phát, siêu dự án này có giá trị hơn 100.000 tỉ đồng và được Vạn Thịnh Phát đầu tư suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, như người viết từng đề cập, dự án này mới chỉ dừng ở khâu giải phóng mặt bằng./.

Chia sẻ
Báo cáo
Trọng Hiếu Người dùng
Nhà đất Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên