Người theo dõi

Vũ khí nào giúp "ông trùm" ngành thép HPG được khuyến nghị với Upside lên đến 50%?

Thứ Hai, 1/7/2024, 17:08 (GMT+7) 3 phút đọc
VnDirect vừa có báo cáo cập nhật triển vọng đối với cổ phiếu HPG. Mức giá mục tiêu tiềm năng được đưa ra là 44.000 đồng/cổ phiếu và 3,4% cổ tức.

Mới đây, CTCP Chứng khoán Vndirect vừa có báo cáo cập nhật triển vọng đối với cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát. Theo đó, các chuyên gia đưa ra khuyến nghị khả quan cho HPG với tiềm năng tăng giá 52% lên 44.000 đồng/cổ phiếu và 3,4% cổ tức.

Hiện tại, cổ phiếu HPG đang được giao dịch ở quanh vùng giá 28.000-30.000 đồng/cổ phiếu kể từ tháng 5 tới nay, khối lượng giao dịch đạt khoảng 20 triệu đơn vị/phiên.

hpg.PNG
Diễn biến giá cổ phiếu HPG

Không phải ngẫu nhiên HPG được Vndirect khuyến nghị với giá mục tiêu cao như vậy. Đánh giá dựa theo triển vọng trong tương lai, dưới đây là các luận điểm được đội ngũ phân tích đưa ra.

Thứ nhất, dự án Dung Quất 2 sẽ giúp đưa HPG vào top 30 nhà sản xuất thép toàn cầu và cải thiện biên lợi nhuận.

Sản lượng bán hàng thép xây dựng hàng tháng của HPG dự kiến duy trì khoảng 380.000 tấn trong thời gian còn lại của năm 2024 và sang năm 2025. 

Sự tăng trưởng của thép HRC trong giai đoạn 2025-2027 sẽ nhờ vào việc khởi động Khu liên hợp thép Dung Quất 2, dự kiến sản xuất thêm 2,8 triệu tấn HRC trong năm 2025 so với tổng công suất hiện tại Dung Quât 1 là 6 triệu tấn, bao gồm cả HRC và thép xây dựng. Đến năm 2026, HPG dự kiến vận hành toàn bộ công suất của Dung Quất 2 với tổng công suất bổ sung là 5,6 triệu tấn HRC chất lượng cao.

Ngoài ra, vận hành Dung Quất 2 sẽ giúp giảm chi phí đầu vào. Quy trình sản xuất thép mới chỉ cần 320 kg than cốc cho một tấn thép, giảm so với mức 360 kg tại Dung Quất 1. Đồng thời, quy mô lớn hơn cho phép số lượng nhân công trên một tấn thép sản xuất tại Dung Quất 2 thấp hơn so với Dung Quất 1, chỉ cần bổ sung thêm khoảng 6.000 công nhân thay vì 11.000 công nhân. Công suất tăng gần gấp đôi nhưng số lượng công nhân chỉ tăng gấp rưỡi.

Thứ hai, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm sẽ hỗ trợ đáng kể cho việc gia tăng biên lợi nhuận 

Giá quặng sắt đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng vào tháng 3 do lo ngại về việc tích trữ quặng sắt của Trung Quốc tăng nhanh và sản lượng thép đầu ra trì trệ.

Giá than cốc trải qua cú sốc giá năng lượng từ năm 2022 đang hạ nhiệt dần khi Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia dự báo rằng giá than cốc dự kiến sẽ giảm dần từ 277 USD/tấn vào năm 2024 xuống 185 USD/tấn vào năm 2029, chủ yếu do khối lượng xuất khẩu tăng lên khi các mỏ ở New South Wales và Queensland đẩy mạnh sản xuất. 

Thứ ba, xuất khẩu thép sẽ phát triển nhờ nhu cầu ổn định và mở rộng sản xuất 

Hiện tại, xuất khẩu thép HRC của HPG tập trung vào các thị trường Đông Nam Á, Mexico và EU. Công ty có kế hoạch mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, Mỹ và Châu Phi. Mặc dù gia tăng xuất khẩu, HPG vẫn ưu tiên thị trường nội địa do tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện tại.

Theo Bộ Công nghiệp, Khoa học và Tài nguyên Australia, sản lượng thép toàn cầu đi ngang trong năm 2023 nhưng dự kiến sẽ tăng gần 2% mỗi năm trong năm 2024 và 2025. Mức tiêu thụ thép toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,4% trong năm 2024, với quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ.

Thứ tư, đội ngũ phân tích dự báo nhu cầu nội địa sẽ phục hồi nhờ thị trường bất động sản ấm lên

Nhu cầu thép ghi nhận sự cải thiện vào cuối năm 2023 và T1/2024 do thúc đẩy đầu tư công, nhưng những mức tăng này không được duy trì trong ba tháng tiếp theo, dẫn đến mức tăng trưởng theo năm chỉ ở mức khiêm tốn.

Tuy nhiên, Vndirect lạc quan rằng thị trường bất động sản sẽ có xu hướng ấm lên, đặc biệt là vào năm 2025. Từ đó kích thích sản lượng thép xây dựng nội địa tăng 17% so với năm 2024, trong khi khối lượng HRC nội địa sẽ đi ngang trong năm nay và tăng 56% ở năm sau khi Dung Quất 2 bắt đầu hoạt động. 

Thứ năm, các quy định mới nếu có sẽ hỗ trợ ngành thép nội địa

Ngày 15/6, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Theo đó, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với các chính sách đặc thù cho ngành thép tăng trưởng xanh và bền vững.

Đồng thời, sự gia tăng mạnh gần đây của xuất khẩu thép Trung Quốc sang Việt Nam đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương đã chấp nhận điều tra về thép mạ kẽm để quyết định việc có áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm tôn của Trung Quốc và Hàn Quốc hay không. 

Nếu điều này xảy ra, tất cả các nhà sản xuất tôn sẽ được hưởng lợi, bao gồm HSG, NKG, HPG và GDA, nhưng thời điểm áp dụng thuế có thể sẽ rơi vào giai đoạn 2025- 2026.

Những nỗ lực này cho thấy Việt Nam đang chủ động củng cố ngành thép trước những thách thức bên ngoài, đồng thời định hướng cho ngành phát triển bền vững và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu./.

Chia sẻ
Báo cáo
A
Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên