VPBank không chỉ mời 'ông hoàng Kpop' G-Dragon về biểu diễn - họ biến 'concert' thành một phễu chuyển đổi khách hàng. Và có lẽ, tính đến thời điểm hiện tại, đây là chiến dịch marketing 5.0 mẫu mực nhất, tái định nghĩa về truyền thông trong ngành tài chính.
Với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, Mã CK: VPB), đại nhạc hội K-Star Spark là sự chuyển mình trong thương hiệu - từ một ngân hàng truyền thống thành 'love brand' của giới trẻ.

Thực tế cho thấy, truyền thông trong ngành ngân hàng không thiếu tiền, không thiếu công nghệ nhưng lại thiếu khả năng chạm đến đúng 'trái tim' của khách hàng. Báo cáo về hành vi người tiêu dùng ngành ngân hàng năm 2024 của Mibrand, có tới 82% người tiêu dùng từng thấy quảng cáo ngân hàng nhưng chỉ 12% cân nhắc sử dụng, và vỏn vẹn 3% đưa ra quyết định ngay sau đó.
Khách hàng đã thấy - nhưng chưa nhớ - nhớ nhưng chưa 'động lòng'. Các ưu đãi ngân hàng, dù được quảng bá tới ba lần mỗi tuần, vẫn bị 'trôi tuột' theo những dòng tin mạng xã hội. Trong thế giới 'bội thực' thông tin, lãi suất 0,1% không thể cạnh tranh với hình ảnh gần gũi, chạm đúng với cảm xúc của khách hàng.

Xuất hiện trên nền xanh lá quen thuộc của VPBank là logo của PEACEMINUSONE - thương hiệu thời trang do G-Dragon sáng lập.
Hàng loạt các thương hiệu lớn đua nhau sáng tạo với biểu tượng hoa cúc, nhờ vậy 'viral hóa' thông tin sự kiện đêm nhạc của VPBank. Đúng ngữ cảnh - đúng lúc - và đúng kênh, ngân hàng này tối ưu ngân sách quảng cáo một cách đầy chiến lược.
Bằng việc yêu cầu khách hàng mở thẻ để ưu tiên vé concert, VPBank biến 'lượt quan tâm' thành 'hành vi tiêu dùng'. Theo YouNet Media, chỉ trong 24 giờ sau thông báo, chiến dịch đạt hơn 146.200 lượt thảo luận, từ khóa “VPBank” và “G-Dragon” đồng loạt leo top tìm kiếm Google.
Cổ phiếu ngân hàng lập tức tăng trần ngày 14/5 với khối lượng giao dịch 96 triệu đơn vị - một minh chứng không thể phủ nhận cho hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ.
G-Dragon - 'biểu tượng âm nhạc toàn cầu' - trở thành người định vị cảm xúc thương hiệu của ngân hàng. Nơi mỗi tấm thẻ VPBank Visa không còn là công cụ thanh toán, mà là 'chiếc vé' bước vào một cộng đồng được truyền cảm hứng.
VPBank và chiến dịch marketing 5.0 mẫu mực
K-Star Spark do VPBank tổ chức là hiện thân việc ứng dụng marketing 5.0 trong lĩnh vực ngân hàng, với năm yếu tố cốt lõi: Data-driven (Tiếp thị dựa trên dữ liệu), Predictive Marketing (Tiếp thị dự đoán), Contextual Marketing (Tiếp thị tình huống), Augmented Marketing (Tiếp thị tăng cường), và Agile Marketing (Tiếp thị linh hoạt).

5 yếu tố cốt lõi trong marketing 5.0
VPBank thu thập dữ liệu từ các nguồn đa dạng, bao gồm hành vi giao dịch trên ứng dụng ngân hàng số (NEO, CAKE, UBank), tương tác trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok), và dữ liệu từ các đối tác fintech như Moca và CleverTap. Từ đó, ngân hàng thấu hiểu được nhu cầu của nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu - Millennials và GenZ.
Với thế hệ Millennials, G-Dragon không đơn giản là thần tượng âm nhạc, mà còn là một phần 'thanh xuân rực rỡ', còn đối với GenZ, nhân vật này là 'tượng đài Kpop' họ khao khát được lắng nghe và chứng kiến tận mắt.
Predictive Marketing (Tiếp thị dự đoán) thể hiện qua việc ngân hàng sử dụng dữ liệu kết hợp cùng thuật toán để dự đoán sức hút của G-Dragon, chọn đúng thời điểm công bố (13/5/2025) nhằm tối đa hóa tương tác. Song song với đó, tối ưu hóa chi phí quảng cáo bằng cách tập trung vào các kênh và thời điểm hiệu quả nhất.
Contextual Marketing (Tiếp thị tình huống) khéo léo ở chỗ ngân hàng tích hợp trải nghiệm mua vé sớm qua thẻ VPBank Visa vào bối cảnh sự kiện, kích thích hành vi tiêu dùng. Các chiến dịch quảng cáo trên mạng xã hội với hình ảnh "hoa cúc trắng mất cánh", tạo sự liên kết trực tiếp với thương hiệu cá nhân của G-Dragon. Nhờ vậy, tận dụng bối cảnh văn hóa để tạo hiệu ứng viral, đưa VPBank trở thành chủ đề thảo luận hàng đầu trên mạng xã hội.
Augmented Marketing được triển khai qua chatbot trên ứng dụng NEO, hỗ trợ đăng ký thẻ và tư vấn 24/7. Trợ lý ảo giúp giảm thời gian xử lý yêu cầu khách hàng, tăng tỷ lệ hài lòng và hiệu quả vận hành. Trải nghiệm số trong chiến dịch K-Star Spark giúp thúc đẩy lượng truy cập vào website và ứng dụng VPBank.

Bài đăng quảng bá app VPBank NEO đi liền cùng chiến dịch K-Star Spark
Cuối cùng, VPBank áp dụng 'triết lý Agile' trong chiến dịch K-Star Spark, nhanh chóng triển khai các bài đăng quảng cáo trên mạng xã hội sau khi xác định xu hướng K-pop bùng nổ. Các nhóm tiếp thị, bán hàng, và công nghệ phối hợp chặt chẽ để điều chỉnh nội dung và ưu đãi theo phản hồi thời gian thực.
VPBank 'so găng' truyền thông
Không thể phủ nhận, VPBank không phải ngân hàng duy nhất theo đuổi chiến lược truyền thông hiện đại. Techcombank từng gây chú ý với đại nhạc hội 'Anh trai vượt ngàn chông gai', kết hợp storytelling cảm xúc và trải nghiệm ngân hàng số. VIB nổi bật với concert 'Anh trai say hi' nhắm Gen Z bằng MyVIB Keyboard - cho phép chuyển tiền ngay trên mạng xã hội. Song, khác biệt nằm ở độ 'viral'.

Trong khi Techcombank chọn cách kể chuyện bằng cảm xúc 'thuần Việt', VPBank mang về biểu tượng văn hóa toàn cầu. Trong khi VIB tối ưu hóa tính ứng dụng công nghệ, VPBank kết hợp cả công nghệ và văn hóa đại chúng để khuấy đảo mạng xã hội.
Phương thức truyền thông bằng âm nhạc không mới, tuy nhiên chạm đúng vào lòng công chúng, nhập vai vào phía khách hàng, là bài toán không phải thương hiệu nào cũng giải được.
Chiến dịch của VPBank là minh chứng sống động cho marketing 5.0: Không chỉ bán sản phẩm, mà bán cả cảm xúc và tính cá nhân hóa. Với độ phủ sóng mạnh mẽ và chiến lược sắc bén, ngân hàng không chỉ dẫn đầu cuộc đua thương hiệu mà còn định hình lại cách ngân hàng giao tiếp với thế hệ trẻ./.