Vingroup tất toán 900 triệu USD trái phiếu quốc tế có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu VIC, VHM và VFS

00:17 29/08/2024

Theo CTCP Chứng khoán Vietcap (Vietcap), ngoài VinFast, hầu hết các công ty con của Vingroup đều có khả năng tự duy trì để thực hiện các nghĩa vụ nợ và hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.

Vietcap cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, CTCP Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) đã mua lại tổng cộng 906,5 triệu USD trái phiếu quốc tế có quyền hoán đổi thành cổ phần tại VIC, VinFast (Nasdaq: VFS) và CTCP Vinhomes (Mã CK: VHM).

Cụ thể, cuối tháng 4/2024, Vingroup đã mua lại 50% nợ gốc của lô trái phiếu quốc tế trị giá 500 triệu USD (lãi suất 3%/năm) có quyền hoán đổi thành cổ phiếu VHM. Sau đó, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dùng số tiền thu được từ việc phát hành lô trái phiếu 250 triệu USD (lãi suất 10%/năm) để tất toán 50% nợ gốc còn lại.

Các khoản trái phiếu hoán đổi quốc tế đang lưu hành của Vingroup

Đối với lô trái phiếu 625 triệu USD có quyền chuyển đổi sang cổ phần VinFast, Vingroup đã lần lượt mua lại 312,5 triệu USD vào tháng 4 và 60 triệu USD vào tháng 7. Tập đoàn này cũng đạt được thỏa thuận với các trái chủ về việc thanh toán 252,5 triệu USD còn lại vào năm 2027.

Ngoài ra, vào tháng 8/2024, CTCP Vinpearl - thành viên của Vingroup - đã mua lại 284 triệu USD nợ gốc của lô trái phiếu trị giá 425 triệu USD, lãi suất 3,25%, đáo hạn năm 2026 và có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu VIC.

Tuần trước, Vinpearl cũng phát hành thành công 150 triệu USD trái phiếu chuyển đổi, kỳ hạn 5 năm. Phần lớn số tiền thu về, theo Vietcap, sẽ được sử dụng để thanh toán 141 triệu USD nợ gốc còn lại của lô trái phiếu hoán đổi trị giá 425 triệu USD vào tháng 9/2024.

Cũng theo Vietcap, ngoài VinFast, hầu hết các công ty con của Vingroup đều có khả năng tự duy trì để thực hiện các nghĩa vụ nợ và hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, tại cuối quý II/2024, doanh số bán hàng chưa ghi nhận của Vinhomes là 118.700 tỷ đồng. Doanh số dự kiến từ các dự án mới trong giai đoạn 2024-2026 của công ty này lần lượt là 91.000 tỷ đồng, 89.000 tỷ đồng và 96.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, dòng tiền và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Vinpearl, Vinmec và Vinschool dự báo sẽ dần cải thiện, được hỗ trợ bởi các động lực dài hạn như sự gia tăng của tầng lớp tiêu dùng trung lưu và biên lợi nhuận được cải thiện.

Đối với VinFast, Vietcap nhận định hãng sẽ tiếp tục dẫn dắt xu hướng sử dụng xe điện tại Việt Nam, nhờ lợi thế mạng lưới trạm sạc và dịch vụ hậu mãi.

Tính đến cuối quý 2/2024, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã hoàn tất giải ngân cho VinFast 1 tỷ USD, bao gồm khoản tài trợ 3.300 tỷ đồng trong quý II và 20.600 tỷ đồng trong năm 2023.

Vietcap cho rằng, ông Vượng sẽ tiếp tục cung cấp các khoản tài trợ mới trong giai đoạn 2025 - 2026, theo tuyên bố tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của Vingroup rằng ông sẽ tài trợ ít nhất 1 tỷ USD cho VinFast từ tài sản cá nhân./.