Trong báo cáo tài chính kiểm toán mới công bố, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities – Mã CK: CTS) ghi nhận khoản phải thu khó đòi 52,3 tỷ đồng đối với CTCP Lavida Invest (Lavida Invest). Tính đến ngày 31/12/2023, CTS đã trích lập dự phòng 15,6 tỷ đồng cho khoản phải thu này.
Trước đó, CTS từng đóng vai trò tổ chức tư vấn cho Lavida Invest thực hiện thương vụ phát hành 70 tỷ đồng trái phiếu hồi tháng 2/2021. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm, với lãi suất cố định ở mức 11%/năm.
Đến tháng 1/2022, Lavida Invest đã thực hiện 2 đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị là 8 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến ngày đáo hạn – tháng 2/2023, công ty này mới chỉ thanh toán được 1,7 tỷ đồng tiền lãi phát sinh, chậm trả 62 tỷ đồng nợ gốc.
Cập nhật đến ngày 13/4/2023, Lavida Invest chỉ thanh toán được 9,7 tỷ đồng nợ gốc, còn lại 52,3 tỷ đồng chậm trả do chưa thu xếp được nguồn thanh toán. Số tiền này đúng bằng giá trị của khoản phải thu khó đòi mà CTS đã xác lập với Lavida Invest.
Sơ phác Lavida Invest
Theo dữ liệu của người viết, Lavida Invest tiền thân là CTCP Đầu tư VIG Holdings, được thành lập vào tháng 10/2016, hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại Vincom Center Đồng Khởi, số 72 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP. HCM.
Công ty này ban đầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty TNHH ADA Việt Nam (49% VĐL), Công ty TNHH Đầu tư NDT Việt Nam (49% VĐL) và ông Nguyễn Ngọc Duy (2% VĐL).
Tính đến ngày 29/8/2018, cả 3 cổ đông trên đều đã thoái vốn khỏi Lavida Invest. Toàn bộ số cổ phần này sau đó được nắm giữ bởi 3 thể nhân là ông Nguyễn Duy Tưởng, bà Trần Khánh Linh và ông Vũ Quang Huy. Trong đó, ông Tưởng là Chủ tịch HĐQT Lavida Invest.
Sinh năm 1980, ông Nguyễn Duy Tưởng còn là cổ đông sáng lập CTCP Đầu tư CTA Holdings, đồng thời đứng tên đại diện tại nhiều doanh nghiệp khác như CTCP Xây dựng và Đầu tư Bất động sản Việt Nam (viết tắt: VCI), CTCP Ecofarm Sài Gòn.
Đáng chú ý, toàn bộ 100% cổ phần của VCI và Lavida Invest, cùng nhiều tài sản khác là cổ phần, hợp đồng hợp tác kinh doanh và quyền sử dụng đất đã được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu trị giá 70 tỷ đồng của Lavida Invest.
Tuy nhiên, vào tháng 1/2024, Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM đã có thông báo về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Lavida Invest do vi phạm quy định về Luật Doanh nghiệp.
Rót 3.000 tỷ đồng cho hoạt động tự doanh
Năm 2023, CTS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 1.144,2 tỷ đồng, tăng 31,1% so với năm trước. Khấu trừ chi phí, công ty này báo lãi sau thuế ở mức 187,4 tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với thực hiện năm 2022.
Nguồn thu lớn nhất của CTS trong năm 2023 vẫn đến từ hoạt động đầu tư tự doanh với lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FTVPL) đạt 533,8 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu của CTS đạt 253,3 tỷ đồng, lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) đạt 162 tỷ đồng, lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đạt 72,3 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, danh mục đầu tư tự doanh của CTS có giá trị ghi sổ đạt 2.697,2 tỷ đồng, chủ yếu là cổ phiếu niêm yết (966 tỷ đồng), cổ phiếu chưa niêm yết (109,5 tỷ đồng), chứng chỉ tiền gửi (836,2 tỷ đồng), trái phiếu niêm yết và chưa niêm yết (494,6 tỷ đồng).
Trong đó, khoản đầu tư vào CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) của CTS có giá trị hợp lý ở mức 266,4 tỷ đồng, cao gấp 5,5 lần so với giá trị ghi sổ (ở mức 47,8 tỷ đồng).
Ngoài ra, danh mục tự doanh của CTS còn một số khoản đầu tư đáng chú ý khác như cổ phiếu Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) (giá gốc 259,3 tỷ đồng), Công ty Tài chính Cổ phần Điện Lực (EVNFinance) (201,3 tỷ đồng), CTCP DNP Holding (119,9 tỷ đồng)./.