Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Vì sao Greenland lọt tầm ngắm của ông Trump, có phải chỉ vì tài nguyên khoáng sản?

07:08 19/02/2025

Khi những lớp băng bao phủ bề mặt Greenland mỏng dần do biến đổi khí hậu, cuộc đua tranh giành ảnh hưởng tại hòn đảo này của các siêu cường cũng nóng lên từng ngày.

Khi những lớp băng bao phủ bề mặt Greenland mỏng dần do biến đổi khí hậu, cuộc đua tranh giành ảnh hưởng tại hòn đảo này của các siêu cường cũng nóng lên từng ngày.

Các tuyến phòng ngự quân sự của Nga và Mỹ quanh Bắc Cực và Greenland (Ảnh: Financial Times)

Greenland - tâm điểm mới của các siêu cường 

Một tàu chiến bất ngờ xuất hiện bên ngoài cửa sổ khi ông Aqqaluk Lynge đang chăm chú nhìn vào bản đồ Bắc Cực và say sưa trao đổi với phóng viên Financial Times về đề nghị mua lại Greenland của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Không phải là người Mỹ", ông Lynge - người sáng lập đảng chính trị lớn nhất Greenland - nở nụ cười và nhìn ra vịnh Nuuk.

Đó là một con tàu tuần tra cũ kỹ của Đan Mạch, có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia này với hòn đảo quanh năm bị bao phủ bởi băng tuyết. 

Được trang bị một máy bay giám sát và một số đoàn tuần tra bằng xe kéo chó, con tàu này có nhiệm vụ bảo vệ một khu vực Bắc Cực rộng lớn tương đương với diện tích của Tây Âu. Súng trên tàu gần như vô dụng vì thiếu hệ thống ngắm. 

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch, ông Troels Lund Poulsen, thừa nhận vào tháng 12 rằng, quốc gia Bắc Âu này đã không có đủ ngân sách dành để bảo vệ Greenland.

Con tàu chiến neo đậu bên ngoài tư gia của ông Lynge - ở đầu bài viết - có thể được coi là biểu tượng cho mối quan hệ phức tạp giữa Copenhagen và Greenland.

Aqqaluk Lynge, người sáng lập đảng chính trị lớn nhất Greenland, đang nghiên cứu bản đồ lãnh thổ. Ông cho biết người dân "lo lắng" về sự tập trung địa chính trị ngày càng tăng vào khu vực này  

Sự quan tâm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với việc kiểm soát Greenland đã đưa vùng đất rộng lớn, lạnh giá, và có dân cư thưa thớt bậc nhất thế giới - với khoảng 57.000 người sinh sống, vào tâm điểm chú ý.

Thực ra, những đề nghị mua Greenland không phải là điều mới mẻ. Washington đã bắt đầu "tìm hiểu" Greenland từ năm 1867. Nhưng lời đề nghị của Tổng thống Donald Trump đã khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn, làm gia tăng các hoạt động quân sự, thương mại và ngoại giao đối với khu vực này.

“Đó là một mưu đồ địa chính trị. Mỹ phải đảm bảo rằng, ít nhất, khu vực bán cầu Tây của họ nằm trong giới hạn an toàn nhất có thể”, ông Klaus Dodds, chuyên gia về Bắc Cực và giáo sư địa chính trị tại Đại học Royal Holloway (London), cho hay.

Greenland từng được gọi là "ngoại lệ Bắc Cực", ám chỉ về khu vực mà các cường quốc lớn coi là khu vực ít căng thẳng, không can dự vào chính trị địa phương, và cũng là nơi các quốc gia có thể tìm điểm chung về các vấn đề như biến đổi khí hậu.

Với việc Nga đang gia tăng quân sự hóa lãnh thổ Bắc Cực của mình, Trung Quốc mở rộng tham vọng về các tuyến đường thương mại và tuyên bố bành trướng của Tổng thống Mỹ Trump về Greenland, Bắc Cực đang nhanh chóng trở thành một khu vực cạnh tranh chiến lược.

Một số người ví von nó với "Trò chơi vĩ đại" thế kỷ 19, khi Anh và Nga tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á.

Sự phát triển kinh tế của Greenland vẫn còn phụ thuộc vào các ngành khai thác tài nguyên biển

Có phải chỉ vì tài nguyên khoáng sản?

Theo các chuyên gia, Nga và Trung Quốc đã nghĩ đến các thách thức quân sự và cơ hội kinh doanh mà Bắc Cực mang lại suốt hơn một thập kỷ qua; trong khi Mỹ tỏ ra chẳng mấy quan tâm cho đến cuối nhiệm kỳ Tổng thống Trump vào năm 2019.

“Đã có một khoảng trống trong thời gian dài. Người Nga và người Trung Quốc đã hiện diện ở Bắc Cực và hoạt động rất tích cực. Còn người Mỹ thì chẳng làm gì — không có chiến lược, không có tàu phá băng, lực lượng quân đội ít ỏi ở Alaska", bà Anna Wieslander, Giám đốc khu vực Bắc Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, nói.

Biến đổi khí hậu đang mở ra các tuyến đường mới xuyên qua Bắc Cực. Đây cũng là nguồn cơn căng thẳng mới giữa Nga, Trung Quốc và châu Âu, bên cạnh vấn đề Ukraine.

Hành lang Tây Bắc, bắt đầu ở phía tây Greenland, phần lớn vẫn bị băng bao phủ nhưng tuyến đường mà Moscow gọi là Tuyến đường biển phía Bắc - ở hành lang phía đông bắc phía trên nước Nga - có thể di chuyển được trong một số thời điểm trong năm. Lượng hàng hóa đi qua tuyến đường này đã lập kỷ lục mới - 38 triệu tấn, vào năm 2024. Dù chỉ chiếm chưa tới 3% lượng hàng hóa qua kênh đào Suez, nhưng con số vừa nêu vẫn cho thấy tiềm năng nhất định.

Trong khi đó, sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Bắc Cực thực tế đã giảm xuống kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Pituffik được sử dụng để cảnh báo tên lửa và giám sát vệ tinh, không phải để bảo vệ Greenland.

“Nếu việc có sự hiện diện quân sự ở Greenland quan trọng đến vậy, tại sao họ chỉ có 150 quân? Trước đây họ có đến 15.000 quân", ông Rasmus Jarlov, cựu bộ trưởng Đan Mạch và hiện là nghị sĩ đảng Bảo thủ, nói. "Đó là sự lựa chọn của họ. Chúng tôi không yêu cầu họ phải rời đi. Chính họ đã quyết định giảm bớt sự hiện diện của mình".

Tuy nhiên, dù có nhiều bàn tán về Trung Quốc, Nga có thể là cường quốc có nhiều động thái nhất ở khu vực này. Moscow đã tuyên bố tiềm năng của bờ biển Bắc Cực dài 24.000km của mình, cả trong lĩnh vực thương mại lẫn quân sự.

Năm 2021, Nga đã đưa một nhóm nhà báo đến căn cứ cực Bắc của mình tại Alexandra Land, một hòn đảo đầy bão tuyết và gấu Bắc Cực, nơi quân đội Nga vẫn đang đặt các hệ thống tên lửa và radar.

Jarlov, cựu Bộ trưởng Đan Mạch, cho biết mặc dù Greenland là một vị trí án ngữ quan trọng ở khoảng trống GIUK - ám chỉ vùng biển nằm giữa Greenland, Iceland và Vương quốc Anh - nhưng nó không có nhiều giá trị quân sự thực sự.

“Sẽ chẳng đạt được gì nếu chiếm đóng Greenland trong một cuộc chiến giữa phương Tây và Nga", ông nói. "Bạn sẽ chỉ chết cóng mà thôi!"./.

Nguồn tham khảo: Financial Times