Từ đầu tháng 5/2024 đến nay, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiền gửi, trong đó Ngân hàng Xây dựng (CBBank) tăng mạnh nhất với mức tăng 0,9%/năm áp dụng cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng tăng lãi suất huy động từ 0,2%-0,5%/năm. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng áp dụng cho sản phẩm tiền gửi online tăng 0,4%/năm lên 2,7%-2,9%/năm.
Nhiều ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank),… cũng tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1%-0,5%/năm.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng "Big 4" gồm Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank vẫn giữ nguyên lãi suất huy động so với tháng 4/2024.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đến hết tháng 3/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023, trong khi cùng thời điểm năm ngoái tăng gần 1,2%.
Trong bối cảnh này, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm thu hút tiền gửi bổ sung thanh khoản cũng là điều dễ hiểu, khi họ cũng cần phải chuẩn bị một lượng tiền để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu doanh nghiệp thời gian tới.
Bên cạnh đó, điều này cũng giúp nền kinh tế tránh rơi vào hiện tượng “bẫy thanh khoản” khi lãi suất tiền gửi đã giảm xuống mức thấp trong một thời gian dài, lãi suất tiền gửi tăng kéo theo nỗi lo lãi suất cho vay cũng sẽ tăng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng khả năng cao lãi suất cho vay sẽ tăng vào nửa cuối năm 2024. Còn trong ngắn hạn, khả năng này là thấp.
Trước mắt, các ngân hàng vẫn sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Khi tăng trưởng tín dụng đạt mức mục tiêu, lúc đó họ mới bắt đầu nâng lãi suất./.