"VN-Index có thể hướng đến vùng 1.513 – 1.756 trong vòng 6–8 tháng tới, tương đương mức tăng 6%–23% so với mức đóng cửa ngày 9/7/2025", theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Nguồn: Bloomberg, VDSC tổng hợp
Trong báo cáo "Chiến lược đầu tư" vừa công bố, nhóm phân tích của VDSC cho rằng có 2 yếu tố chính hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2025.
Thứ nhất, chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng – được điều hành chủ động và linh hoạt – giúp duy trì mặt bằng lãi suất thấp, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho thanh khoản của thị trường.
Thứ hai, Việt Nam đang tiến gần tới việc được FTSE công nhận đủ điều kiện nâng hạng lên “Thị trường mới nổi thứ cấp” trong kỳ đánh giá tháng 9/2025. Đây là yếu tố có thể thu hút mạnh dòng vốn ngoại.
Ở hướng ngược lại, VDSC cho rằng biến động địa chính trị toàn cầu, xuất phát từ xu hướng phân cực chính trị, có thể dẫn tới những sự kiện bất ngờ gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.
Bên cạnh đó, đồng VND có thể chịu áp lực nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục trì hoãn cắt giảm lãi suất, ảnh hưởng đến định hướng chính sách tiền tệ trong nước.
Cuối cùng, chính sách điều hành của chính quyền Trump đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, có thể tạo ra phản ứng khó lường trên thị trường vốn toàn cầu.
Dù vậy, VDSC cho rằng các rủi ro trên trên chủ yếu là những "cơn gió ngược" mang tính ngắn hạn. “Trừ khi xảy ra các tác động có tính chất cấu trúc và kéo dài lên nền kinh tế Việt Nam, thì các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp nhìn chung sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể”, báo cáo nêu.
Tác động thuế quan là không quá lớn
Theo VDSC, tác động trực tiếp từ thuế quan lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 là không quá lớn, do môi trường vĩ mô đang được điều hành theo hướng giảm thiểu bất định, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Hiện tại, bối cảnh toàn cầu đang chứng kiến xu hướng các quốc gia tăng cường khai thác nội lực, kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo này: Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, giữ lãi suất ở mức thấp, đồng thời đẩy mạnh vai trò khu vực tư nhân trong thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng.
Với bức tranh đó, VDSC tin rằng các nhóm ngành như ngân hàng, bất động sản, phi tài chính phục vụ thị trường nội địa (trong bối cảnh nhóm xuất nhập khẩu chỉ đóng góp khoảng 3% vào tổng lợi nhuận thị trường) sẽ tiếp tục là trụ đỡ tăng trưởng lợi nhuận thị trường trong phần còn lại của năm 2025.

Nguồn: VDSC
Về chiến lược lựa chọn cổ phiếu và phân bổ danh mục đầu tư, VDSC ưu tiên nhóm ngân hàng – kênh dẫn vốn chủ lực của nền kinh tế – với tỷ trọng tương đương thị trường, tập trung vào 4 cổ phiếu có tiềm năng tăng tốc trong nửa cuối năm gồm: VCB, CTG, VPB, MBB.
Tiếp theo là nhóm bất động sản, ưu tiên các doanh nghiệp sở hữu quỹ dự án tại các thành phố cấp 1 (miền Bắc và Nam), nằm gần các trục hạ tầng chiến lược, hưởng lợi từ xu hướng đô thị hóa – công nghiệp hóa vùng ven. VDSC chọn KBC và KDH cho nhóm này.
Đối với nhóm bán lẻ và hàng tiêu dùng, VDSC duy trì tỷ trọng với các cổ phiếu thiết yếu, mang tính phòng thủ và ổn định trong chu kỳ kinh tế, gồm: SAB, MWG, MSN, QNS.
Cuối cùng, VDSC đánh giá HPG, REE và PVS vẫn chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng tăng trưởng từ xu thế mở rộng hạ tầng công nghiệp và các dự án năng lượng quy mô lớn – là nhóm cổ phiếu đáng cân nhắc cho trung – dài hạn./.
Nội dung liên quan
- MASVN: Các nhịp điều chỉnh ngắn hạn là yếu tố cần thiết trước khi VN-Index hướng tới mức lịch sử 1.550 điểm
- Sếp VPBankS: Nếu được nâng hạng, chứng khoán Việt có thể "hút" tới 7 tỷ USD vốn ngoại
- Lãnh đạo UBCKNN tự tin thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng vào kỳ tháng 9/2025
- Tổng thống Donald Trump: Hoa Kỳ sẽ giảm đáng kể thuế đối ứng cho hàng Việt Nam