Vay tiền "ôm" đất chờ tăng giá, nhiều nhà đầu tư "vỡ mộng"
10:55 13/12/2024
Tận dụng các đợt "sốt nóng" của phân khúc đất nền, nhiều nhà đầu tư đã "xuống tiền" với mục đích lướt sóng kiếm lời. Dù vậy, không ít trong số họ vẫn chưa thể bán hòa vốn trong bối cảnh phân khúc này phục hồi chậm chạp.
Anh Hải, nhà đầu tư đất nền tại Bà Rịa - Vũng Tàu phải chấp nhận cắt lỗ 5% để sang tay lô đất sau nhiều tháng rao bán giá gốc không có khách mua.
Anh Hải cho biết năm 2021 đã mua lô đất thổ cư 210 m2 tại TP Bà Rịa (Bà Rịa - Vũng Tàu) giá 6,7 tỷ đồng, với mục đích "lướt sóng" kiếm lời. Cuối năm 2022 khi thị trường đất nền gặp khó khăn, anh tính thoát hàng nhưng bên mua ép giá giảm sâu, xuống còn 5 tỷ đồng. Do số tiền vay mua đất không nhiều nên 2 năm nay, anh vẫn ráng "gồng". Gần đây, anh cần vốn làm ăn, lại thấy thị trường bắt đầu có dấu hiệu tích cực nên quyết định rao bán lại.
Anh rao đúng giá gốc nhưng bên mua vẫn chỉ chấp nhận trả 6 tỷ đồng. Sau nhiều tháng thương lượng, cuối cùng anh chấp nhận bán giá 6,3 tỷ đồng. "Đầu tư 3 năm, cuối cùng phải bán dưới giá vốn", anh Hải nói.
Tương tự, chị Hồ Thị Kim Xuân (quận Tân Bình, TP HCM) cũng loay hoay tìm đầu ra cho nền đất 150 m2 ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) sau một thời gian gánh lãi ngân hàng để giữ đất, chờ tăng giá.
Chị cho biết khu đất này được mua năm 2021, giá 3,8 tỷ đồng, trong đó vốn vay hơn 1 tỷ đồng. Đầu năm 2022 (thời điểm sốt đất nền), miếng đất của chị được định giá 4,5 tỷ đồng, nhưng đến tháng 9 cùng năm đã rớt xuống còn 3 tỷ đồng.
"Quý 3 năm nay, vì gặp áp lực tài chính, cần thu hồi tiền để xoay xở, tôi rao bán hòa vốn nhưng không được, đành chấp nhận thoát hàng với giá 3,5 tỷ đồng, tức lỗ 300 triệu so với giá mua", chị cho hay.
Không chỉ các trường hợp trên, nhiều nhà đầu tư xuống tiền mua đất nền trong giai đoạn 2019-2021 (giai đoạn thị trường sôi động) giờ vẫn chưa thể bán hòa vốn trong bối cảnh phân khúc này phục hồi chậm chạp.
Theo báo cáo từ Hội môi giới bất động sản Việt Nam, quý 3, cả nước ghi nhận gần 103.000 sản phẩm đất nền giao dịch thành công, tăng 12,8% so với cùng kỳ nhưng giảm 18% so với quý trước. So với giai đoạn trước dịch Covid 19, thanh khoản đất nền vẫn còn thấp. Giá đất trong 9 tháng đầu năm có xu hướng tăng từ 10-15% so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn so với 2 năm trước đó.
Theo DKRA Group, ba quý đầu năm, giá sơ cấp đất nền phía Nam có xu hướng đi ngang, thứ cấp tăng 10-15% nhưng so với giai đoạn 2019-2021 thì vẫn thấp hơn khoảng 15%.
"Các giao dịch thành công đều có giá giảm 10-20% tính trên mức mua vào", DKRA nhận xét.
Đánh giá về thị trường đất nền, chuyên gia bất động sản Đoàn Quốc Duyệt, Giám đốc Công ty bất động sản Tín Thành, cho biết phân khúc này đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ hồi phục, khó khăn lớn nhất hiện nay là lấy lại niềm tin và tăng tính thanh khoản.
Sau một thời gian dài đóng băng, người mua có xu hướng dè dặt, thận trọng, chờ đợi tín hiệu thị trường tăng trưởng bền vững hơn, nhà đầu tư thì giữ tâm lý chờ giá đất giảm thêm, nhất là với phân khúc đất nông nghiệp.
"Các dấu hiệu sốt nóng đất nền thời gian qua chỉ mang tính cục bộ ở một vài địa phương phía Bắc, trên thực tế phần lớn thị trường này thanh khoản vẫn dậm chân", ông Duyệt nhận xét.
Bên cạnh đó, vị này cho rằng, nếu đang chịu áp lực trả nợ, khả năng cầm cự thấp, nhà đầu tư không nên cố "gồng" vì nhiều khả năng phải ít nhất 6 tháng tới đất nền mới có tín hiệu tích cực
Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan khu vực miền Nam, nhận xét thị trường đất nền phía Nam giao dịch gần như đi ngang suốt hai năm qua. Dù không còn tình trạng cắt lỗ sâu, mặt bằng chung vẫn chưa thể về bằng lúc trước 2022. Với những nhà đầu tư "đu đỉnh" đất nền, nếu bán lúc này vẫn khó hoàn vốn./.
Nguồn tham khảo: VnExpress