Khảo sát từ Đại học Stanford cho thấy cứ 10 kỹ sư công nghệ tại Thung lũng Silicon lại có 1 người gần như không làm việc, hay còn được gọi là “kỹ sư ma”. Tình trạng này đã tồn tại từ lâu, song mới đây mới được nghiên cứu cụ thể.
Yegor Denisov-Blanch, chuyên gia tại Đại học Stanford, đã tạo công cụ đánh giá nhân viên trên GitHub, dựa trên công việc của hơn 50.000 người đang làm tại hàng trăm công ty ở Thung lũng Silicon. Kết quả, ông phát hiện khoảng 9,5% nhân viên gần như không làm gì và chỉ đạt năng suất dưới 10% so với mức trung bình của đồng nghiệp.
“Kỹ sư phần mềm là một hộp đen”, Denisov-Blanch nói với Business Insider. “Không ai biết cách đo hiệu suất của họ. Sẽ không công bằng khi ai đó thực hiện một thay đổi rất phức tạp chỉ với một dòng code lại bị xem nhẹ, còn người làm tính năng đơn giản với 1.000 dòng code lại được ngợi ca”.
Để giải quyết vấn đề này, ông Denisov-Blanch cho biết thuật toán của mình cố gắng xếp hạng cao cho những kỹ sư viết nhiều code nếu đáp ứng các yêu cầu bao gồm: có thể bảo trì, giải quyết vấn đề phức tạp và dễ triển khai.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu xét trong toàn ngành, tỷ lệ 9,5% có thể bị phóng đại vì công cụ chỉ chạy thuật toán đối với các công ty tự nguyện tham gia nghiên cứu. Có những nhân viên đạt sản lượng 11% hoặc 12% nhưng lại không được xếp là “kỹ sư ma” dù tỷ lệ trên chỉ nhỉnh hơn 10% một chút.
Trước đó, Keith Rabois, một nhà đầu tư mạo hiểm kiêm Giám đốc điều hành PayPal thời kỳ đầu, đã cáo buộc các công ty công nghệ lớn coi việc tuyển dụng là “thước đo phù phiếm”, cố tình tuyển dụng nhân tài để ngăn họ làm việc cho các công ty đối thủ. Nhận định trên được đưa ra trong một sự kiện được công ty tư vấn ngân hàng đầu tư Evercore tổ chức.
Ông cho rằng các tập đoàn lớn, chẳng hạn như Google, cố tình thuê nhiều kỹ sư và nhân tài công nghệ để ngăn họ cống hiến chất xám cho các công ty khác - một chiến lược được cho là “khá mạch lạc”. Điều đó có nghĩa là các kỹ sư này được quyền đến công ty, ngồi vào bàn, và không làm gì cả.
“Đây là thước đo phù phiếm đối với việc tuyển dụng”, ông Rabois nói. “Những người này không có việc gì để làm. Tất cả chỉ là những công việc giả. Bây giờ điều đó đang được phơi bày. Những người này thực sự làm gì ư, họ chỉ đi họp thôi”.
Câu chuyện về Madelyn Machado, cựu nhân viên Meta 34 tuổi, là ví dụ điển hình.
Cho đến năm ngoái, cô gái này vẫn không biết liệu mình có đang làm việc có ích cho Meta bởi sau khi gia nhập công ty vào tháng 9/2021 chỉ toàn dành phần lớn thời gian cho các cuộc họp nội bộ vô bổ. Công ty mẹ của Facebook và Instagram có nhiều nhân viên tuyển dụng đến nỗi họ không có việc để làm.
“Chúng tôi chả tuyển dụng được nhân sự nào nhưng vẫn được trả tiền”, Madelyn Machado nói và tiết lộ khoản tiền lương hàng năm lên tới 190.000 USD (gần 4,5 tỷ đồng).
Theo lời chia sẻ của cô, một ngày bình thường ở Meta có thể bắt đầu lúc 11 giờ sáng, ngồi họp từ trưa đến 3:30 chiều, sau đó rà soát lại hoạt động tuyển dụng trên LinkedIn khoảng 1 tiếng trước khi đăng xuất. Sau khi đăng tải những thông tin trên lên TikTok, Machado bị Meta sa thải với lý do hành động trên gây ra nhiều xung đột lợi ích. Một số cựu nhân viên công nghệ cũng phàn nàn những nội dung tương tự. Họ nói họ được trả lương để không phải làm gì.
Trong một cuộc phỏng vấn, Britney Levy, 35 tuổi, cho biết cô được tuyển dụng trong chương trình đào tạo kéo dài 1 năm nhằm chiêu mộ những tài năng giàu chất xám. Tuy nhiên, người phụ nữ này chỉ được đảm nhận duy nhất 1 dự án trước khi bị sa thải vào tháng 11.
Đáp lại, các giám đốc điều hành thừa thận thời kỳ đại dịch rủng rỉnh tiền mặt đã thúc đẩy họ chiêu mộ nhiều nhân tài để tích trữ chất xám, ngay cả khi những nhân lực đó không cần đến. Có vị trí được trả tới 4,5 tỷ đồng/năm nhưng thực sự không có đóng góp gì nhiều.
“Sự thiếu hụt nhân tài công nghệ vào thời điểm đó đã góp phần tạo ra cảm giác cấp bách, qua đó khiến việc tuyển dụng nhân sự trở nên rầm rộ. Khi đó, Thung lũng Silicon chứng kiến một cuộc chiến tranh giành nhân tài”, Vijay Govindarajan, giáo sư tại Trường Kinh doanh Tuck của Dartmouth cho biết.
Nhiều người cho rằng văn hóa doanh nghiệp dễ dãi ở Thung lũng Silicon đã tạo ra những môi trường nơi nhân viên không cần làm việc chăm chỉ. Thomas Siebel, người đứng đầu công ty phần mềm C3.ai Inc., cho biết việc các nhà tuyển dụng công nghệ chấp nhận làm việc từ xa càng khiến vấn đề trở nên tồi tệ.
Derrick McMillen, 32 tuổi, từng làm việc tại Facebook và Salesforce trước đại dịch. Chia sẻ với WSJ, anh cho biết các đồng nghiệp đa phần chỉ dành thời gian trên các trang web yoga và ăn trưa. Một số người còn đùn đẩy công việc.
“Kết quả của văn hóa doanh nghiệp đó là một nhóm những nhân viên lười biếng”, Derrick McMillen nói. Anh cho biết hiện mình đang đảm nhận vị trí Giám đốc kỹ thuật của Niche Protocol - một công ty truyền thông nhỏ mới thành lập nhưng làm việc có trách nhiệm.
“Nhìn từ ngoài vào, chắc chắn bạn sẽ thắc mắc vì sao người đó lại được thuê?. Những nhân viên mới này có rất ít việc để làm và một năm sau, chính họ bị sa thải. Sẽ mất thời gian để người lao động có thể đóng góp một cách có ý nghĩa”, Patrick Moloney, đại diện công ty tư vấn Willis Towers Watson PLC, nói.
Nguồn: Nhịp sống thị trường