USDT và chu kỳ giá Bitcoin: Liệu Tether có là “phong vũ biểu” nhạy nhất của thị trường?
17:58 13/04/2025
Dữ liệu cho thấy, mô hình phát hành và thu hồi USDT của Tether vẫn là một chỉ dấu cực kỳ nhạy cảm với chu kỳ tăng - giảm của giá Bitcoin, dù mối quan hệ này đang dần thay đổi theo thời gian.
Dữ liệu cho thấy, mô hình phát hành và thu hồi USDT của Tether vẫn là một chỉ dấu cực kỳ nhạy cảm với chu kỳ tăng - giảm của giá Bitcoin, dù mối quan hệ này đang dần thay đổi theo thời gian.
Trong suốt thập kỷ qua, lượng phát hành USDT - stablecoin lớn nhất thế giới với vốn hóa hơn 144 tỷ USD - thường bùng nổ mỗi khi thị trường Bitcoin bước vào pha tăng giá. Ngược lại, các đợt đốt USDT lại xuất hiện sau mỗi đợt điều chỉnh.
Theo dữ liệu từ Whale Alert, khi biểu đồ hóa lượng USDT được phát hành và đốt so với đường giá BTC từ năm 2015 đến đầu 2025, có thể thấy mối tương quan rõ ràng giữa hai biến động này.
Với vai trò là phương tiện thanh khoản hàng đầu trên thị trường crypto, USDT thường được xem là "động mạch" của thị trường. Do đó, bất kỳ biến động lớn nào trong việc đúc hoặc đốt USDT đều thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư và phân tích.
Việc phát hành USDT với số lượng lớn trùng với thời điểm giá Bitcoin tăng đột biến. (Nguồn: Whale Alert)
Tether “in tiền” sát nút mỗi lần Bitcoin tăng giá
Các đợt phát hành USDT quy mô lớn thường diễn ra sát hoặc ngay trước những đợt tăng giá mạnh của Bitcoin. Điều này được thấy rõ vào cuối năm 2020 và trong suốt năm 2024 - thời điểm Tether “bơm” hàng chục tỷ USD vào thị trường khi giá BTC lao vút.
Điển hình, ngày 25/10/2024, BTC bắt đầu một đợt "bull run" từ mốc 66.700 USD và leo lên trên 106.000 USD vào ngày 16/12. Đợt phát hành USDT đáng chú ý đầu tiên là 1 tỷ USD vào ngày 30/10 – thời điểm Bitcoin vừa cán mốc 72.000 USD trước khi điều chỉnh nhẹ.
Sau đó, khi BTC tăng tiếp từ 65.000 USD lên 75.000 USD, Tether tiếp tục phát hành thêm 6 tỷ USD vào ngày 6/11. Chỉ 3 ngày sau, giá BTC tăng nhẹ, đi kèm với hai đợt phát hành mới tổng cộng 6 tỷ USD.
Điều này mở đường cho cú tăng mạnh đưa BTC lên mức 88.000 USD.
Tether “in tiền” sát nút mỗi lần Bitcoin tăng giá (Nguồn: Whale Alert)
Đáng chú ý, ngày 18/11 đánh dấu đợt phát hành 6 tỷ USD tiếp theo - đúng vào lúc BTC khởi động cú bật tăng lên gần 99.000 USD (ngày 22/11). Trong khoảng thời gian này, Tether liên tiếp phát hành 9 tỷ USD trong ba đợt.
Ngày 23/11, một đợt phát hành 7 tỷ USD nữa diễn ra ngay trước khi BTC thoát vùng giá điều chỉnh, bứt phá lên đỉnh 106.000 USD vào ngày 17/12.
Mặc dù các mốc thời gian trên cho thấy phát hành USDT có thể đóng vai trò là tín hiệu ngắn hạn về nhu cầu thị trường đang tăng lên, nhưng chúng không phải lúc nào cũng là chỉ báo dẫn dắt.
Theo ông Ki Young Ju - CEO CryptoQuant, vai trò của USDT trong các chu kỳ giá Bitcoin đang dần mờ nhạt. Hiện phần lớn dòng tiền mới đổ vào BTC đến từ các quỹ như MicroStrategy (MSTR) và các quỹ ETF, chủ yếu giao dịch qua Coinbase hoặc các bàn OTC.
“Stablecoin không còn là tín hiệu chính để xác định xu hướng thị trường Bitcoin nữa”, vị CEO nói.
Tổng lượng stablecoin nắm giữ trên sàn hiện còn thấp hơn cả giai đoạn "bull run" năm 2021 (Nguồn: CryptoQuant)
Cụ thể, nhiều đợt phát hành USDT quy mô lớn diễn ra khi đà tăng giá của BTC đã bắt đầu - chẳng hạn như 6 tỷ USD vào 6/11 - xuất hiện sau khi BTC tăng từ 65.000 lên 75.000 USD.
Tuy vậy, cũng có những ngoại lệ đáng chú ý. Hai đợt phát hành trị giá tổng cộng 7 tỷ USD vào khoảng 13/11 và 7 tỷ USD vào ngày 23/11 đều diễn ra ngay trước khi thị trường tăng mạnh, cho thấy đôi lúc dòng USDT mới có thể góp phần kích hoạt hoặc thúc đẩy giá BTC tiếp tục đi lên.
USDT bị đốt sau mỗi đợt Bitcoin điều chỉnh
Ngược lại, các đợt đốt USDT – khi stablecoin bị rút khỏi lưu thông – thường xảy ra trong hoặc ngay sau giai đoạn điều chỉnh giá.
Sau đỉnh 106.000 USD vào tháng 12/2024, Bitcoin giảm dần qua tháng 1 và tháng 3/2025, kèm theo nhiều đợt đốt USDT. Cụ thể:
📌26/12/2024: USDT bị đốt 3,67 tỷ USD, ngay sau khi BTC rớt từ 106.000 xuống 95.713 USD.
📌30/12/2024: Một đợt đốt 2 tỷ USD tiếp tục diễn ra khi BTC lùi về 92.000 USD.
📌10/1/2025: Tether phát hành lại 2,5 tỷ USD khi BTC phục hồi vượt 106.000 USD.
📌28/2/2025: Một đợt đốt 2 tỷ USD xảy ra sau khi BTC giảm liên tục từ vùng 6 chữ số về mức 84.000 USD.
Không như phát hành, các đợt đốt hiếm khi báo trước xu hướng giảm, mà thường xác nhận xu hướng đang diễn ra. Bởi vậy, chúng phù hợp để đánh giá thị trường đã “nguội” ra sao sau khi đạt đỉnh – hơn là dùng để nhận diện vùng giá theo thời gian thực.
Điều này từng thể hiện rõ trong đợt thị trường lao dốc tháng 6/2022, khi Tether ghi nhận kỷ lục đốt 20 tỷ USD sau khi BTC lao dốc từ hơn 65.000 USD về sát 21.000 USD.
Dẫu vậy, giới phân tích khẳng định rằng dữ liệu đốt USDT không thể dùng để xác định vùng đỉnh thị trường một cách chắc chắn.
“Chúng tôi chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng nào cho thấy việc đốt USDT có tương quan với đỉnh thị trường, kể cả ở vai trò là chỉ báo trễ”, ông Jos Lazet – CEO Blockrise – nhận định.
Mối liên hệ giữa USDT và Bitcoin đang thay đổi
Dù dữ liệu lịch sử cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa cung USDT và giá BTC, nhưng nhiều yếu tố khác nhau – từ dòng tiền vào thị trường, tâm lý nhà đầu tư, cho đến quy định – đều đang làm lu mờ mối liên hệ này.
“Không thể gắn mối quan hệ giữa nguồn cung USDT và một khối lượng giao dịch cụ thể, vì phần lớn giao dịch stablecoin diễn ra trên sàn CEX, đặc biệt với cặp BTC”, ông Lazet phân tích.
“Rõ ràng rằng phần lớn giao dịch crypto liên quan đến Bitcoin – và phần lớn trong số đó là giao dịch với USDT. Nhưng vẫn không thể chứng minh chắc chắn mối tương quan trực tiếp giữa hai yếu tố.”
Bên cạnh đó, những thay đổi về quy định cũng đang làm thay đổi cách stablecoin vận hành. Khung pháp lý MiCA tại châu Âu sẽ buộc các tổ chức phát hành stablecoin phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn, dẫn đến việc nhiều sàn thông báo hủy niêm yết USDT.
Tại Mỹ, các dự thảo luật mới cũng có thể thay đổi cách stablecoin như USDT được phát hành, bảo chứng và quy đổi. Áp lực pháp lý tăng cao có thể khiến Tether mất đi sự linh hoạt – hoặc phải nhường chỗ cho các đối thủ khác.
Vốn hóa thị trường USDC đã phục hồi lên mức cao nhất mọi thời đại. (Nguồn: CoinGecko)
USDC – đối thủ lớn nhất của USDT – đang lấy lại thị phần nhờ định hướng tuân thủ pháp lý và được lòng các tổ chức. Dù từng mất vốn hóa mạnh sau sự kiện sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank năm 2022–2023 (từ 56 tỷ USD về 24 tỷ USD), USDC đã phục hồi lên mốc kỷ lục hơn 60 tỷ USD vào thời điểm hiện tại.
Ở mảng phi tập trung, stablecoin như DAI vẫn hấp dẫn với cộng đồng DeFi vì tính chống kiểm duyệt và minh bạch on-chain.
Ảnh hưởng của Tether đối với Bitcoin và thị trường tiền điện tử nói chung vẫn còn đáng kể. Nhưng liệu việc đúc và đốt USDT có tiếp tục đóng vai trò là chỉ báo đáng tin cậy về dòng vốn trong những năm tới hay không sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như quy định, sở thích người dùng và sự phát triển hạ tầng stablecoin./.