Ủy ban quản lý vốn nhà nước: Kinh doanh hay quản lý
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), cần phân định doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chính trị (thuộc nhóm cơ quan đại diện chủ sở hữu thuộc Chính phủ), doanh nghiệp thực hiện những dịch vụ công (thuộc nhóm cơ quan đại diện chủ sở hữu thuộc UBND các tỉnh), doanh nghiệp tổ chức chính trị - xã hội, như nhà nghỉ công đoàn, hội phụ nữ (thuộc về các tổ chức chính trị xã hội), doanh nghiệp nhà nước bỏ tiền vào mục tiêu chính là lợi nhuận (thuộc về Ủy ban quản lý vốn nhà nước).
Hiện nay có mô hình SCIC là kinh doanh vốn, họ bỏ vốn cho doanh nghiệp thấy lợi, nhưng không thấy lợi thì rút vốn, đầu tư vào doanh nghiệp khác.
“Ủy ban Quản lý vốn hiện nay phải thực hiện chức năng kinh doanh vốn chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước như các cơ quan khác”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Văn Cường cũng cho biết, cần trao nhiều quyền hơn cho người đại diện vốn tại doanh nghiệp Nhà nước. Theo ông, thay vì người đại diện này chỉ được giao trách nhiệm về bảo toàn phát triển vốn, trích nộp lợi nhuận... họ cần được toàn quyền trong tổ chức bộ máy, chọn và quyết định cán bộ tại doanh nghiệp Nhà nước.
Với nội dung liên quan đến chế độ đãi ngộ, phúc lợi dành cho người đại diện vốn tại doanh nghiệp, theo nhiều đại biểu đây là vấn đề có vai trò rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc sửa đổi Luật cần phải có cơ chế quản lý, đánh giá gắn với chế độ đãi ngộ thực sự xứng đáng, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nêu quan điểm, việc trích không quá ba tháng lương thực hiện để lập quỹ phúc lợi, khen thưởng như dự thảo có thể sẽ không mang tính khoa học.
Đồng ý kiến, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, nếu doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, nhưng mức tự trả lương cao, không còn lợi nhuận để trích các quỹ khen thưởng, phúc lợi. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp làm ăn tốt nhưng lại xác định mức tiền lương thấp, khi đó kinh doanh có lãi, lợi nhuận nhiều, cũng chỉ được trích 3 tháng tiền lương để khen thưởng, như vậy người lao động vẫn thu nhập thấp.
“Cơ chế phân phối lợi nhuận nêu như dự thảo sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp kinh doanh tốt, có lợi nhuận nhiều”, ông Cường nói thêm.
Về vấn đến trích Quỹ đầu tư phát triển, theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), không nên chốt cứng tỷ lệ là 50% mà phải dựa trên việc đánh giá hiệu quả, khả năng, mức sinh lợi của doanh nghiệp để xác định mức độ được trích.
Về vấn đến trích Quỹ đầu tư phát triển, theo đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai), không nên chốt cứng tỷ lệ là 50% mà phải dựa trên việc đánh giá hiệu quả, khả năng, mức sinh lợi của doanh nghiệp để xác định mức độ được trích.
Nếu chúng ta quy định cứng ở đây thì cần phải có một cơ chế trích phù hợp hơn. Dựa trên kinh nghiệm của của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh, đề xuất một cơ chế rất đặc biệt, đó là sau khi trích các quỹ như theo luật này thì được để lại 100%.
Cần phải nghiên cứu mô hình này để áp dụng với một số doanh nghiệp nhà nước nòng cốt, hình thành nên những doanh nghiệp rất chuyên biệt, những doanh nghiệp mang tính chất trọng yếu.
“Không quy định chung chung như hiện nay. Với những doanh nghiệp nòng cốt trách nhiệm cao, nhưng quyền hạn và quyền năng của họ phải lớn”, đại biểu An nhấn mạnh.
Tiền nhà nước đến đâu quản lý đến đó
Còn với đối tượng để quản lý dòng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một số đại biểu đề nghị mở rộng. Cụ thể, bổ sung các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước từ 50% vốn điều lệ trở xuống và việc đầu tư vốn tại các doanh nghiệp khác có vốn đầu tư F2, F3, để quy định nguyên tắc quản lý với biện pháp, mức độ phù hợp.
“Chỉ như vậy mới đáp ứng yêu cầu tiền Nhà nước đầu tư đến đâu phải quản lý đến đó", các đại biểu nêu ý kiến.
Trước các ý kiến của các ĐBQH tham gia góp ý, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, việc sửa đổi, ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là rất cần thiết. Theo ông Thắng, nhà nước thực sự đóng vai trò là nhà đầu tư, chủ sở hữu bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp.
Trước đó, theo báo cáo mới nhất của Chính phủ gửi Quốc hội tháng 9/2024, tính đến hết năm 2023, có 671 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó 473 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Tổng tài sản của DNNN là hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm 2023. Vốn chủ sở hữu là gần 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm 2023./.
Nguồn: Đầu tư tài chính