Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

'Trung tâm tài chính TP.HCM phải cạnh tranh với Singapore, Hong Kong'

19:16 04/01/2025

Sự cạnh tranh với Singapore, Thượng Hải và Hong Kong đòi hỏi TP.HCM cải thiện hệ thống quản lý, giám sát tài chính, phát triển ngân hàng và sản phẩm tài chính chuẩn quốc tế.

Sáng 4/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cùng UBND TP.HCM, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đánh giá việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế là một nhiệm vụ đầy thách thức.

Tuy nhiên, nếu thành công, nó sẽ mở ra cơ hội giúp Việt Nam kết nối sâu rộng với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế.

"Điều này không chỉ hỗ trợ sự phát triển kinh tế trong nước mà còn nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế", bà Hồng nhấn mạnh.

Chịu sự cạnh tranh từ các trung tâm tài chính lâu đời

Tuy nhiên, để đạt được thành công đó, Thống đốc nhấn mạnh địa phương cần có quyết tâm cao và nỗ lực lớn trong việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và nguồn lực, đồng thời xây dựng lộ trình phù hợp.

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, bà Hồng cho biết sự phát triển của thị trường vốn kết hợp với thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng sẽ là nền tảng thiết yếu cho trung tâm tài chính.

Tuy nhiên, điều này đặt ra thách thức lớn đối với các trung tâm tài chính mới nổi, do sự cạnh tranh gay gắt từ các trung tâm đã phát triển lâu đời và có uy tín như Singapore, Hong Kong và Thượng Hải. Do đó, Thống đốc nhấn mạnh cần nhận diện rõ các cơ hội và thách thức, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp.

Đồng thời, việc phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngành ngân hàng phải đi đôi với cơ chế quản lý, giám sát đảm bảo an toàn và hiệu quả. Đây là bài toán phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trình bày về việc phát triển lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong trung tâm tài chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Qua quá trình nghiên cứu chuyên sâu, NHNN nhận thấy không có mô hình trung tâm tài chính nào áp dụng chung cho mọi quốc gia. Mỗi quốc gia lựa chọn chính sách phát triển dựa trên các điều kiện đặc thù như vị trí địa lý, mức độ liên kết toàn cầu và mức độ phát triển hiện tại.

Thời gian qua, NHNN đã tập trung nguồn lực để nghiên cứu sâu rộng về phát triển tiền tệ và ngân hàng trong bối cảnh trung tâm tài chính.

Trong đó, nhà điều hành xác định rõ chủ thể tham gia trung tâm tài chính, phạm vi giao dịch sản phẩm dịch vụ, xác định các nguyên tắc áp dụng cơ chế, chính sách để áp dụng phù hợp, đồng thời hướng đến đơn giản hóa các thủ tục, sản phẩm, dịch vụ, nội dung chính sách, thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Rich McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) cho rằng Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các trung tâm tài chính lớn như Dubai, Thượng Hải, Hong Kong và New York.

Những kinh nghiệm này sẽ giúp Việt Nam hiểu rõ hơn về cách các trung tâm tài chính hàng đầu vận hành, quản lý và phát triển. Đồng thời, việc áp dụng các thông lệ tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp Việt Nam xây dựng một trung tâm tài chính đạt chuẩn mực toàn cầu, tăng tính minh bạch, chuyên nghiệp và khả năng cạnh tranh.

Ông Rich McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair vì sự thay đổi toàn cầu (TBI) tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Đại diện Viện Tony Blair khẳng định dự án này rất phức tạp và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ban ngành, nhà đầu tư nước ngoài và sự cam kết mạnh mẽ từ Bộ Chính trị.

Nếu thành công, Việt Nam không chỉ phát triển toàn diện thị trường tài chính mà còn tích cực kêu gọi dòng vốn từ bên ngoài vào thị trường trong nước.

Cam kết tham gia phát triển trung tâm tài chính quốc tế

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông (TTTT) Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp và an ninh, an toàn số là những nền tảng quan trọng bậc nhất của một trung tâm tài chính hiện đại.

Hiện tại, GDP bình quân đầu người của Việt Nam xếp hạng 120 thế giới, với mục tiêu đến năm 2030 trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Ngành thông tin và truyền thông đặt mục tiêu đến năm 2030, hạ tầng số của Việt Nam sẽ xếp hạng 30-50 trên thế giới.

Điều này đòi hỏi hạ tầng số phải đi trước, đi nhanh hơn để làm nền tảng cho phát triển kinh tế, đặc biệt tại các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế như Đà Nẵng và TP.HCM. Theo đó, hạ tầng số tại hai thành phố này cần đạt nhóm các nước phát triển và nằm trong top 30 thế giới.

Cụ thể, về 5G, ông Hùng cho biết vùng phủ sóng tại TP.HCM và Đà Nẵng hiện mới đạt 20%. Bộ TTTT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, yêu cầu ngay trong năm nay phải phủ sóng 100% hai TP này với tốc độ gấp 10 lần 4G, đồng thời đầu tư mở rộng mạng 5G. "Khi hoàn thành, mạng 5G tại TP.HCM và Đà Nẵng sẽ tương đương với các nước phát triển", ông nói.

Về hạ tầng dữ liệu, TP.HCM và Đà Nẵng hiện có các trung tâm dữ liệu lớn nhất đạt 15 MW. Để trở thành trung tâm tài chính thế giới, hai thành phố cần sở hữu các trung tâm dữ liệu lớn và siêu lớn với công suất 30-100 MW. Hiện đã có các cam kết đầu tư, nhưng cần đảm bảo hạ tầng về đất đai, điện, nước, tốt nhất là thực hiện trong năm 2025.

Về điện toán đám mây, năng lực hiện tại của Việt Nam còn thấp, kém Thái Lan gấp 3 lần và kém Singapore 130 lần. Chính phủ đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp fintech đầu tư vào điện toán đám mây tại Việt Nam. Bộ trưởng Hùng cho rằng TP.HCM và Đà Nẵng cần thúc đẩy mạnh mẽ để không kém các trung tâm tài chính khác trong khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày về phát triển hạ tầng số cho trung tâm tài chính. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Để hỗ trợ TP.HCM và Đà Nẵng trở thành các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, Bộ TTTT cam kết hỗ trợ xây dựng hạ tầng số hiện đại, dung lượng siêu lớn, thông minh, xanh và bền vững; đảm bảo an toàn thông tin mạng; xây dựng thể chế toàn diện và phát triển nhân lực số chất lượng cao.

Ông Hùng nhận định sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền TP, doanh nghiệp công nghệ số và nhà đầu tư sẽ quyết định thành công của những mục tiêu này.

Bà Alexandra Smith - Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM và ông Rich McClellan cũng khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính quốc tế. Đồng thời, sẽ kết nối với các chuyên gia quốc tế để tham mưu chính sách, hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển các trung tâm tài chính hiện đại, phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu.

"Sự phát triển hiện tại và tương lai của Việt Nam cũng là kỳ vọng lớn lao của các doanh nghiệp Anh đang hoạt động tại Việt Nam", bà Alexandra Smith nói.

Về cơ chế giám sát đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, Thống đốc cho biết trung tâm tài chính sẽ thành lập các cơ quan quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp. Theo bà Hồng, NHNN sẽ phối hợp với các cơ quan phân tích, đánh giá tác động các chính sách ưu đãi đột phá, các cách thức quản lý, điều hành phù hợp.

Thực tế, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho hay việc phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả, minh bạch và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế là một yếu tố không thể thiếu trong quá trình xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Theo ông, Bộ Chính trị đã có chủ trương thành lập Trung tâm trọng tài tại trung tâm tài chính quốc tế, hoạt động theo mô hình trung tâm trọng tài thương mại nhưng có đặc thù riêng, đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của trung tâm tài chính.

"Dù vậy, việc xây dựng cơ chế này cần được xác định rõ trong Nghị quyết của Quốc hội, với các quy định khác biệt so với Luật Trọng tài Thương mại hiện hành, nhằm đảm bảo việc giải quyết tranh chấp và thi hành phán quyết được thực hiện hiệu quả, nhanh chóng và cụ thể", ông chia sẻ.

Bộ trưởng Ninh nhấn mạnh rằng việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng việc thực thi trên thực tế thậm chí còn phức tạp hơn.

Do đó, ngay từ bây giờ, các cơ quan liên quan cần chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và nhất quán, trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ và bứt phá để đảm bảo thành công cho trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam./.

Nguồn: Znews