Trung Quốc giảm lãi suất, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ nền kinh tế
16:15 07/05/2025
Trong bối cảnh nền kinh tế chịu sức ép ngày càng lớn từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cùng các cơ quan quản lý tài chính đã công bố loạt biện pháp nới lỏng chính sách quy mô lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng và ổn định thị trường.
Ông Pan Gongsheng (Phan Công Thắng) - Thống đốc PBOC
Phát biểu tại buổi họp báo chiều 7/5, Thống đốc PBOC Pan Gongsheng (Phan Công Thắng) tuyên bố lãi suất repo ngược kỳ hạn 7 ngày sẽ được cắt giảm 10 điểm cơ bản, từ 1,5% xuống còn 1,4%. Động thái này được kỳ vọng sẽ kéo theo điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản cho vay (LPR) khoảng 10 điểm cơ bản, qua đó hạ chi phí tín dụng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đồng thời, PBOC cũng sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 50 điểm cơ bản, đồng nghĩa giải phóng lượng thanh khoản khoảng 1.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 138,6 triệu USD vào hệ thống tài chính.
Theo Tân Hoa Xã, lãi suất repo mới sẽ có hiệu lực từ ngày mai (8/5), trong khi quy định mới về tỷ lệ dự trữ sẽ áp dụng từ ngày 15/5.
Ngoài chính sách tiền tệ, Trung Quốc còn tung ra một loạt biện pháp hỗ trợ tín dụng có trọng điểm, đặc biệt là đối với các lĩnh vực then chốt như công nghệ và bất động sản.
Đáng chú ý, PBOC sẽ thành lập một công cụ tái cấp vốn trị giá 500 tỷ nhân dân tệ, nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi – nhóm dân số đang ngày càng gia tăng nhanh chóng.
Cùng với đó, lãi suất cho vay mua nhà từ Quỹ nhà ở – một tổ chức tín dụng do chính phủ hậu thuẫn – cũng sẽ được giảm thêm 25 điểm cơ bản. Với người mua nhà lần đầu, lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm sẽ được điều chỉnh từ mức 2,85% xuống còn 2,6%.
PBOC còn lên kế hoạch hỗ trợ các công ty tài chính chuyên cấp vốn cho ngành ô tô bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 5% xuống 0%, theo lộ trình đã công bố.
Loạt biện pháp nới lỏng này được công bố chỉ vài giờ sau khi Bắc Kinh xác nhận Phó Thủ tướng Hà Lập Phong sẽ có cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho khả năng nối lại đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sau nhiều tháng căng thẳng leo thang.
Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp cấp cao đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng mức thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc lên 145%, kéo theo hành động trả đũa từ Bắc Kinh với mức thuế 125% áp lên hàng hóa Mỹ.
Giới quan sát kỳ vọng cuộc gặp này có thể mở ra bước ngoặt trong cuộc chiến thương mại đang làm rung chuyển các thị trường toàn cầu, gây tê liệt dòng chảy thương mại và đầu tư giữa hai siêu cường./.