Thị trường tháng 4: Bức tranh nhiều màu sắc
Tháng 4 vừa qua chứng kiến đà giảm của VN-Index, đưa chỉ số về mức P/E và P/B lần lượt là 14,08 và 1,58 lần, thấp hơn so với mức trung bình 5 năm.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh và khối ngoại bán ròng tháng thứ 3 liên tiếp.
Thanh khoản trung bình toàn thị trường dù suy giảm nhưng vẫn duy trì ở mốc lớn hơn 21.000 tỷ VND/phiên và số lượng tài khoản mở mới tăng trở lại tương đương tháng 8/2023 báo hiệu rằng lực cầu chờ bên ngoài thị trường còn tương đối lớn và thanh khoản trong tháng 5 có thể tăng trưởng trở lại hỗ trợ thị trường tạo đáy.
Việc thị trường giảm điểm do trong tháng 4 được Chứng khoán ASEAN cho rằng do nhiều yếu tố, đặc biệt tình hình thế giới đang thay đổi nhanh chóng:
(i) Một lần nữa giới đầu tư điều chỉnh kỳ vọng về lãi suất điều hành FED: Trong tháng 4 thị trường đã có 2 lần đánh giá lại quỹ đạo lãi suất dựa trên những số liệu mới về lạm phát và tín hiệu tích cực của thị trường lao động.
(ii) Biến động giá hàng hóa: Giá hàng hóa dự báo giảm nhẹ trong tháng 4, tuy nhiên giá dầu lại có xu hướng tăng, áp lực đến lạm phát toàn cầu.
(iii) Tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc yếu dù nền kinh tế đã được cải thiện.
Trong nước, số liệu vĩ mô tháng 3 ghi nhận:
(i) Lạm phát Việt Nam tăng đáng kể: Lạm phát trong nước có dấu hiệu nóng trở lại, gây áp lực lên giá cả hàng hóa và dịch vụ.
(ii) Đầu tư công: Đầu tư công gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về giải ngân, thủ tục hành chính... FDI được xem là hi vọng cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, giải ngân FDI thường chậm và chưa có tác động mạnh mẽ đến thị trường trong tháng 4.
(iii) Lãi suất liên ngân hàng qua đêm vượt các mốc 3 tháng và 6 tháng: Thời gian qua, NHNN đã linh hoạt sử dụng 2 công cụ chính trên thị trường mở và đưa lãi suất lên mức 4.25% và duy trì lãi suất ON cao hơn mức 4%. Qua đó thu hẹp mức chênh lệch lãi suất giữa Việt nam và Mỹ để bình ổn tỷ giá cũng như cân đối thanh khoản thị trường 2.
Song việc duy trì lãi suất thị trường 2 cao cũng đã tác động đáng kể đến nền lãi suất huy động, cũng trong tháng 4, một số ngân hàng thương mại đã đồng loạt nâng lãi suất huy động ở các kỳ hạn <12 tháng, áp lực đến tâm lý nhà đầu tư.
Sell in May and go away?
Trong tháng 5, ASEANSC cho rằng thị trường sẽ khởi sắc hơn tháng 4 với nhiều tín hiệu hồi phục rõ ràng và rủi ro vĩ mô dần được hạ nhiệt và đây cũng là thời điểm tiềm năng cho nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục.
Đặc biệt, nếu nhìn về góc độ định giá toàn thị trường vẫn duy trì ở mức hấp dẫn và thấp hơn đường trung bình 5 năm gần nhất.
Chỉ số P/B hiện đang giao dịch ở mức 1.58 lần, thấp hơn mức trung bình -1 độ lệch chuẩn phản ánh một mức định giá rất hấp dẫn.
Ngoài ra, theo cập nhật KQKD Quý 1 vừa qua từ ASEANSC, Doanh thu và Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ toàn thị trường lần lượt tăng trưởng lần lượt 3.22% YoY và 13.57% YoY.
Trong đó, mặc dù (i) Nhóm Ngân hàng tăng trưởng chậm lại; (ii) Nhóm Bất động sản tăng trưởng âm so với cùng kỳ nhưng nhờ nhóm Phi tài chính tiếp đà hồi phục tốt từ vùng đáy đã hỗ trợ thị trường đạt mức tăng lớn hơn 10% so với năm trước.
Những nhóm ngành cần quan tâm
1. Chăn nuôi heo: Đây là nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ cả yếu tố đầu vào và đầu ra khi giá heo 3 miền đang quay trở lại xu hướng tăng, và giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục giảm mạnh kể từ vùng đỉnh năm 2022.
Do đó, biên lợi nhuận ngành chăn nuôi kỳ vọng được cải thiện, đặc biệt trong bối cảnh giá heo mới chỉ tăng tốt kể từ sau dịp Tết Nguyên đán năm 2024.
ASEANSC ưa thích DBC và BAF trong nhóm cổ phiếu này với kỳ vọng tăng trưởng KQKD từ việc cải thiện biên lợi nhuận gộp do 2 yếu tố trên.
2. Du lịch & Hàng không: Từ tháng 9/2023, Việt Nam đã ban hành chính sách thị thực mới với những điểm chính như (i) Miễn thị thực 15 đến 45 ngày cho 25 quốc gia; (ii) Đơn xin thị thực điện tử đã được cung cấp cho tất cả các quốc gia thay vì 80 nước như trước đây và kéo dài hơn 1 tháng so với chính sách cũ tác động tích cực đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2024 thể hiện ngay ở số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong Q1 năm nay tăng 72% so với cùng kỳ. Nhờ đó, các doanh nghiệp ngành này có kinh doanh Q1 khởi sắc.
Theo thống kê từ Fiintrade, kết quả kinh doanh Q1 của nhóm tăng trưởng tích cực cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1,070% YoY và 51.6% YoY.
Chúng tôi ưa thích VTR, SCS và ACV trong nhóm cổ phiếu này với kỳ vọng tiếp tục cải thiện hoạt động kinh doanh khi lưu lượng khách du lịch tại Việt Nam tăng trưởng tốt.