Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: ‘Dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm’ (Ảnh: VGP)
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, trong thành tựu chung của đất nước có đóng góp quan trọng cảu Quốc hội.
Hoạt động của Quốc hội thời gian qua có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn, phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất với chức năng lập pháp, giám sát.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội còn một số hạn chế cần sớm khắc phục.
Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn".
Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; chưa tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.
Thủ tục hành chính còn rườm rà, dịch vụ công trực tuyến tuy được cải tiến nhưng chưa thuận tiện, thông suốt; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu. Phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm. Còn tình trạng chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp.
"Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Vì vậy, người đứng đầu Đảng, Nhà nước đề nghị đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trước hết là chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, "dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm".
Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, có tính nguyên tắc; không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Các cơ quan tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội; luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", cùng với cải cách triệt để thủ tục hành chính; xây dựng hành lang pháp lý cho những xu hướng mới như cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh./.