Cụ thể, theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2021 có 16 doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhưng đến nay mới 10% trong đó được triển khai, số lượng dự án hoàn thành đạt 4% kế hoạch.
Giai đoạn 2021-2025, cả nước dự kiến cần 1,1 triệu căn nhưng khả năng đáp ứng chỉ 0,4 triệu căn (được 36%). Giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu là hơn 1,3 triệu căn và khả năng đáp ứng dự kiến khoảng 0,6 triệu căn (được 46%).
Tình hình triển khai gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội cũng chỉ mới giải ngân 1.783 tỷ đồng (tương đương 1,5% quy mô gói), trong đó dư nợ từ người mua nhà đi vay chỉ 150 tỷ đồng.
Từ thực trạng trên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đánh giá tiến độ riển khai đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đang là rất chậm.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ tại Talkshow
Bàn về giải pháp để đề án có thể đi vào hiện thực, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng cần có sự chung tay của "bốn nhà" gồm: nhà nước, nhà băng, nhà phát triển và nhà dân. Trong đó nhà nước giữ vai trò là đầu tàu, các địa phương chủ động xây dựng rà soát, thực hiện quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội. Cần sớm nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của địa phương.
Về phía nhà băng nên xem xét lại câu chuyện lãi suất vay ưu đãi sao cho thực sự "ưu đãi" với nhóm thu nhập thấp. Nhà phát triển dự án dừng tư duy "làm cho xong" mà phải "làm cho tới". Bởi nhà ở xã hội cũng phải đảm bảo chất lượng, đầy đủ hệ sinh thái liên quan gồm hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, chợ...
Còn với nhà dân (người mua nhà ở xã hội), bên cạnh sự hỗ trợ của các ban ngành, cần chủ động trong tích lũy, lập kế hoạch tài chính cho việc mua, hiện thực hóa giấc mơ an cư trong bối cảnh thị trường đang chuyển đổi./.
Nguồn tham khảo: Nhịp sống thị trường