Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước Đông Nam Á
14:00 28/11/2024
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã cho biết như vậy tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, diễn ra sáng nay (28/11).
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP.HCM) cho hay mức thuế suất doanh nghiệp phổ thông 20% là vẫn còn cao so với các nước trong khu vực ASEAN như như Singapore (17%), Brunei (18,5%).
Vì vậy, để khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, bà Lệ cho rằng cần cân nhắc giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông xuống khoảng 19%, tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển, phục hồi.
Trong khi đó, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết một số ý kiến cơ quan này đề nghị cân nhắc khả năng giảm thuế suất phổ thông từ mức 20% xuống 18%. Mức thuế ưu đãi giảm xuống một mức chung là 15%. Việc này nhằm bảo đảm công bằng và tránh có nhiều mức ưu đãi khác nhau và quá phân biệt giữa các đối tượng như tại dự luật.
Giải trình ý các kiến trên, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hiễn vẫn ở mức thấp so với các nước Đông Nam Á.
Theo Phó Thủ tướng, hiện thuế suất thu nhập tại Philipphines là 30%, Malaysia 24% và một số nước khác trong khu vực 25%. Ông Phớc cho rằng không thể so sánh thuế của Việt Nam với Singapore khi quốc gia này có mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 90.000 USD một năm. Tức gấp hơn 20 lần Việt Nam (gần 4.300 USD tính tới cuối năm ngoái.
"Mọi khoản thu nhập phải chịu thuế, kể cả sản xuất kinh doanh và thu nhập khác. Điều này nhằm đảm bảo thu thuế công bằng, hợp lý cho phát triển. Còn lĩnh vực ưu tiên cần hỗ trợ ngân sách cũng phải giám sát, tránh mở ra nhiều, mất kiểm soát", Phó thủ tướng nói.
Ông nói thêm hiện thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Bội chi ngân sách mỗi năm khoảng 400.000 tỷ đồng. Nợ công khoảng 37% GDP. Tuy nhiên, các chỉ số này có thể tăng trong thời gian tới khi Việt Nam đẩy nhanh xây dựng nhiều công trình trọng điểm quốc gia.
Bên cạnh đó, xu hướng thế giới là thắt chặt chính sách tài khóa, tăng thuế suất để đảm bảo tài chính công vững mạnh. Song, Việt Nam vẫn duy trì chính sách tài khóa mở rộng do vừa trải qua đại dịch, doanh nghiệp cần hỗ trợ để phục hồi./.
Nguồn tham khảo: VnExpress