Công điện cho biết, tiếp cận vốn tín dụng đến nay vẫn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp - chỉ đạt 6,29% tính đến 11/10 - thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%) cũng như định hướng điều hành cả năm (14-15%).
Do đó, một trong những yêu cầu mà Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước là đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất. Thủ tướng lưu ý đến việc triển khai hiệu quả các gói tín dụng 120,000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và gói 15,000 tỷ đồng dành cho ngành lâm thuỷ sản. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, sau nửa năm triển khai Đề án xây 1 triệu căn nhà ở xã hội, gói tín dụng 120,000 tỷ đồng mới giải ngân được 83 tỷ trong tổng số 1,095 tỷ đồng đã ký hợp đồng vay vốn, tức chưa đến 0.07%.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước triển khai các gói tín dụng phù hợp của các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Trong đó, tín dụng cần tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (đặc biệt là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cần được kiểm soát tín dụng. Đồng thời, cần có chính sách khuyến khích tín dụng vào các dự án khả thi, doanh nghiệp phục vụ cho các động lực tăng trưởng.
Ngân hàng Nhà nước cũng cần bám sát thị trường điều hành chính sách tiền tệ chủ động, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành các công cụ chính sách như tỷ giá, lãi suất, cung ứng tiền nhịp nhàng, đồng bộ. Điều này nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất nhu cầu vốn của nền kinh tế, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính được giao tiếp tục có các giải pháp về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; Có các biện pháp thực hiện tích cực, hiệu quả tăng thu, giảm chi; tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và trốn thuế; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.