Chỉ đạo trên được nêu tại Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 233/NQ-CP ngày 10/12/2024 của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Theo đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương và bộ, ngành liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời do chồng lấn quy hoạch, vướng thủ tục đất đai và chính sách giá điện.

Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng được giao xử lý, hoàn thành các vướng mắc liên quan đến các dự án điện gió, điện mặt trời chồng lấn với quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan (liên quan đến tỉnh Bình Thuận cũ) và quặng bauxite (liên quan đến tỉnh Đắk Nông cũ).
Tỉnh Đắk Lắk có trách nhiệm giải quyết các vướng mắc tại dự án điện mặt trời Long Thành 1, do chồng lấn lên quy hoạch vùng tưới của hồ chứa nước Ia Mơr.
Về thủ tục quản lý đất đai của 40 dự án điện gió, điện mặt trời được nêu tại Kết luận 1027, Thủ tướng yêu cầu TP. HCM và các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đắk Lắk (theo địa giới hành chính sau sắp xếp) hoàn tất các thủ tục liên quan như: tăng diện tích sử dụng đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm xử lý các vướng mắc liên quan đến việc thống nhất giá mua bán điện với mô hình điện mặt trời mái nhà gắn với trang trại nuôi trồng trên đất nông, lâm nghiệp.
Về chính sách giá FIT cho các dự án điện gió, điện mặt trời, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng Giám đốc EVN chỉ đạo rà soát, đề xuất phương án xử lý cụ thể theo nội dung tại Văn bản số 729 ngày 15/7 của Bộ Công Thương. Các ý kiến liên quan phải được tổng hợp, giải trình và báo cáo Chính phủ trước ngày 25/7.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (phối hợp cùng Bộ Công Thương và các địa phương) được giao rà soát, xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến quy hoạch khoáng sản, thủy lợi, chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp... Những vấn đề vượt thẩm quyền phải báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/7.
Cuối cùng, Bộ Công Thương có trách nhiệm đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai và định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả. Văn phòng Chính phủ theo dõi, giám sát và hỗ trợ các cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao.
Nội dung liên quan
- Loạt địa phương tìm chủ cho 12 dự án điện gió với tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ USD
- Vingroup muốn làm dự án điện gió 4,5 tỷ USD tại Trà Vinh
- Bộ Công Thương kiến nghị nhiều văn bản thi hành Luật Điện lực, có nghị định về năng lượng tái tạo
- Tập đoàn Đức muốn sớm được duyệt chủ trương làm dự án điện gió 4,6 tỷ USD tại Bình Định