Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Thời buổi khó khăn, nhiều thương hiệu quốc dân của Mỹ nối đuôi nhau phá sản trong năm 2024

17:30 25/12/2024

Áp lực từ môi trường kinh tế vĩ mô, nợ nần chồng chất, sự thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng và cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ đã buộc nhiều doanh nghiệp Mỹ dừng cuộc chơi trong năm 2024, trong đó có cả những công ty nổi tiếng lâu năm như Tupperware.

2024 là năm đặt dấu chấm hết cho nhiều công ty có tiếng của Mỹ. Trong bối cảnh lạm phát tiếp tục tấn công ví tiền của các hộ gia đình, người tiêu dùng phản ứng bằng cách cắt giảm những khoản chi tiêu tùy ý, gián tiếp đẩy một số công ty đến chỗ phá sản.

Công ty Challenger, Gray& Christmas thống kê từ đầu năm đến nay ít nhất 19 doanh nghiệp Mỹ đã cắt giảm tổng cộng 14.000 việc làm vì phá sản.

Ngành bán lẻ đặc biệt gặp khó khăn do cơn sốt mua sắm đồ nội thất, tivi và quần áo thời COVID đã kết thúc. Hãng nghiên cứu CoreSight cho biết hơn 7.100 cửa hàng tại Mỹ đã phải đóng cửa trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước.

Dưới đây là một số trường hợp phá sản đáng chú ý nhất năm 2024, sắp xếp theo thứ tự thời gian:

The Body Shop

Ngành: Làm đẹp và nước hoa

Ngày nộp đơn phá sản: 9/3

Một cửa hàng The Body Shop ở bang Vermont, tháng 12/2023. (Ảnh: USA Today).

The Body Shop nộp đơn xin phá sản dựa trên quy định tại Chương 7, Luật phá sản Mỹ vào ngày 9/3. Các chi nhánh của công ty tại Mỹ sẽ bán bớt một số tài sản để trả tiền cho các chủ nợ. Vài ngày trước đó, The Body Shop cũng xác nhận đã nộp đơn xin tái cấu trúc tại Anh và Canada.

The Body Shop được thành lập vào năm 1976 bởi nữ doanh nhân người Anh Anita Roddick và là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng có đạo đức, tức chỉ kinh doanh những sản phẩm không gây hại cho động vật và môi trường trong quá trình sản xuất.

Tuy công ty vẫn giữ vững những giá trị trên sau ba lần đổi chủ, theo thời gian chúng đã trở thành tiêu chuẩn chung trong ngành mỹ phẩm và điều đó làm giảm mức độ khác biệt của The Body Shop. Thậm chí các đối thủ còn đưa ra nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn.

Trong những năm gần đây, The Body Shop đã phải vật lộn với khó khăn khi nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm, thị trường Mỹ suy yếu và lợi nhuận bị bào mòn bởi lạm phát.

Red Lobster

Ngành: Nhà hàng

Ngày nộp đơn phá sản: 19/5

Tại thời điểm phá sản, Red Lobster vẫn là chuỗi nhà hàng hải sản lớn nhất thế giới. (Ảnh: Getty Images).

Red Lobster nổi tiếng là chuỗi nhà hàng cung cấp tôm hùm với giá cả phải chăng cho tầng lớp trung lưu Mỹ và nhờ chiến lược đó họ đã trở thành chuỗi nhà hàng hải sản lớn nhất thế giới.

Trong hồ sơ phá sản, Red Lobster cho biết họ có 578 nhà hàng trên 44 tiểu bang của Mỹ và Canada, phục vụ 64 triệu thực khách mỗi năm và tạo ra doanh thu hàng năm lên đến 2 tỷ USD. Theo tờ CNN, 20% đuôi tôm hùm được bán ra ở Bắc Mỹ là nhằm cung cấp cho Red Lobster.

Vấn đề của chuỗi nhà hàng này là trong suốt nhiều năm, họ đã đầu tư quá ít cho việc nâng cấp chiến lược marketing, chất lượng thực phẩm, dịch vụ và nhà hàng. Điều đó làm tổn thương khả năng cạnh tranh của Red Lobster so với các chuỗi nhà hàng bình dân và đồ ăn nhanh.

Sau khi đóng cửa hơn 100 địa điểm, Red Lobster đã thoát khỏi tình trạng phá sản vào tháng 9 nhờ chủ sở hữu mới. Ban lãnh đạo mới của Red Lobster đang thử nghiệm thay đổi menu để thu hút khách hàng.

Big Lots

Ngành: Bán lẻ và hàng gia dụng

Ngày nộp đơn phá sản: 9/9 

Một cửa hàng Big Lots thông báo đóng cửa. (Ảnh: Shutterstock).

Big Lots là một chuỗi bán lẻ chuyên bán hàng giá rẻ đã hoạt động 57 năm tại Mỹ. Công ty đánh giá môi trường kinh tế khó khăn (cụ thể là lạm phát và lãi suất cao) là nguyên nhân khiến họ thất bại. Điều đó dẫn đến việc người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra rằng rắc rối của Big Lots không chỉ đến từ yếu tố bên ngoài. Ví dụ, Big Lots tập trung vào các khách hàng muốn tiết kiệm nhưng những mặt hàng họ cung cấp lại không tương xứng với giá tiền.

Ví dụ, nhiều mặt hàng được bán ở Big Lots không có giá quá đắt nhưng khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy những lựa chọn tương đương ở nơi khác với giá rẻ hơn nhiều, bao gồm Walmart.

Một vấn đề khác là các sản phẩm ở Big Lots bị sắp xếp một cách lộn xộn, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm mua sắm của khách hàng và khiến họ mất hứng thú.

Ban đầu sau khi nộp đơn phá sản, Big Lots dự định đóng khoảng 300 cửa hàng tại Mỹ và bán 963 địa điểm còn lại cho một quỹ đầu tư tư nhân. Tuy nhiên gần đây, công ty thông báo thương vụ này đã đổ bể và sẽ sớm ngừng hoạt động tại mọi cửa hàng.

Tupperware

Ngành: Hàng gia dụng

Ngày nộp đơn phá sản: 17/9

Đồ gia dụng của Tupperware. (Ảnh: Shutterstock).

Tupperware cách mạng hóa việc lưu trữ thực phẩm vào nửa sau thế kỷ 20 với những sản phẩm mới mẻ của mình và dần trở thành một cái tên quen thuộc với mọi gia đình Mỹ.

Công ty áp dụng mô hình kinh doanh bán hàng trực tiếp, trong đó các nhà tư vấn độc lập - phần lớn là phụ nữ - bán hàng cho khách tại các bữa tiệc tại gia. Đây là chiến lược độc nhất vô nhị vào thời điểm đó và gặt hái được thành công lớn tại Mỹ, rồi được phổ biến ra phần còn lại của thế giới.

Tupperware bắt đầu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 1996 và cổ phiếu hãng này đạt đỉnh vào cuối năm 2013.

Sau giai đoạn sụt giảm kéo dài, doanh thu và giá cổ phiếu Tupperware đột ngột tăng mạnh trong đại dịch nhờ nhu cầu lưu trữ thực phẩm tại nhà.

Tuy nhiên, khi thế giới mở cửa và các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, khách hàng lại quay lưng với Tupperware, dẫn đến doanh thu và giá cổ phiếu công ty lao dốc.

Hôm 22/10, Tupperware đồng ý bán hoạt động kinh doanh cho một nhóm chủ nợ với giá 23,5 triệu USD tiền mặt và xóa hơn 63 triệu USD tiền nợ.

Spirit Airlines

Ngành: Hàng không

Ngày nộp đơn phá sản: 18/11

Máy bay của Spirit Airlines tại sân bay ở Houston. (Ảnh: AFP).

Spirit Airlines nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong tháng 11 do mất khả năng chi trả nợ vay và kiểm soát thua lỗ. Tuy nhiên, hãng hàng không này vẫn tiếp tục vận hành như bình thường trong quá trình phá sản.

Spirit nổi tiếng với với mức giá vé cơ bản cực kỳ thấp. Theo dữ liệu từ Cirium, trung bình giá vé khứ hồi hạng phổ thông cho một chuyến bay nội địa của Spirit trong năm 2024 là 136 USD, không bao gồm thuế và phí. Con số này thấp hơn 61% so với mức giá trung bình của ngành hàng không Mỹ.

Dù cung cấp mức giá rẻ, những năm gần đây Spirit vẫn đối mặt với cuộc cạnh tranh cực kỳ khốc liệt để giành lấy những vị khách ưu tiên tiết kiệm chi phí.

Spirit đã hai lần cố gắng cứu lấy bản thân bằng cách sáp nhập với những đối thủ khác, bao gồm Frontier Airlines và JetBlue Airways. Frontier trả giá cao hơn nhưng thương vụ này bị tòa án Mỹ bác bỏ do lo ngại về vấn đề độc quyền. Do đó, Spirit không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xin phá sản.

Các hãng hàng không và nhiều doanh nghiệp khác ở Mỹ thường xuyên xin phá sản và tái xuất mạnh mẽ hơn sau quá trình này. Ba hãng bay lớn nhất của Mỹ - gồm American Airlines, United và Delta - đều từng ít nhất một lần nộp đơn xin phá sản trong 25 năm qua./.

Nguồn: Doanh nhân Việt Nam