Thiết kế cơ sở là gì? Những nội dung liên quan đến thiết kế cơ sở
18:32 30/10/2024
Thiết kế cơ sở được xem là một bước quan trọng và không thể thiếu của một dự án xây dựng, đúng như tên gọi, hạng mục này là cơ sở để triển khai các bước tiếp theo trong việc thiết kế và thi công một công trình. Vậy thiết kế cơ sở là gì và nó gồm những nội dung cụ thể nào? Hãy cùng DFF.VN tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thiết kế cơ sở (Basic Design) là gì?
Theo Luật Xây dựng năm 2014, Thiết kế cơ sở (Basic Design) là thiết kế được lập trong Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng trên cơ sở phương án thiết kế được lựa chọn, thể hiện được các thông số kỹ thuật chủ yếu phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là căn cứ để triển khai các bước thiết kế tiếp theo.
Hồ sơ thiết kế cơ sở gồm những gì?
Phần thuyết minh gồm có các nội dung sau đây:
- Giới thiệu tóm tắt địa điểm xây dựng, phương án thiết kế; tổng mặt bằng công trình, hoặc phương án tuyến công trình đối với công trình xây dựng theo tuyến; vị trí, quy mô xây dựng các hạng mục công trình; việc kết nối giữa các hạng mục công trình thuộc dự án và với hạ tầng kỹ thuật của khu vực;
- Phương án công nghệ, dây chuyền công nghệ đối với công trình có yêu cầu công nghệ;
- Phương án kiến trúc đối với công trình có yêu cầu kiến trúc;
- Phương án kết cấu chính, hệ thống kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật chủ yếu của công trình;
- Phương án bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật;
- Danh mục các quy chuẩn, tiêu chuẩn chủ yếu được áp dụng.
Phần bản vẽ gồm có các nội dung sau đây:
- Bản vẽ tổng mặt bằng công trình hoặc bản vẽ bình đồ phương án tuyến công trình đối với công trình xây dựng theo tuyến ;
- Sơ đồ công nghệ, bản vẽ dây chuyền công nghệ đối với công trình có yêu cầu công nghệ;
- Bản vẽ phương án kiến trúc đối với công trình có yêu cầu kiến trúc ;
- Bản vẽ phương án kết cấu chính, hệ thống kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật chủ yếu của công trình, kết nối với hạ tầng kỹ thuật của khu vực.
Vai trò của thiết kế cơ sở
Đảm bảo tính khả thi: Thẩm định thiết kế giúp xác định xem các giải pháp kỹ thuật có phù hợp với điều kiện thực tế của dự án không, giúp phát hiện các điểm bất cập và điều chỉnh kịp thời.
Đảm bảo an toàn và chất lượng: Thẩm định thiết kế giúp phát hiện những rủi ro tiềm ẩn trong quá trình thi công và sử dụng công trình, đảm bảo thiết kế đạt các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng và kỹ thuật.
Kiểm soát chi phí: Thẩm định giúp đánh giá và tối ưu hóa chi phí thi công, đảm bảo rằng các giải pháp kỹ thuật sẽ không vượt quá ngân sách dự kiến.
Đảm bảo tính pháp lý: Thẩm định thiết kế cơ sở nhằm đảm bảo công trình tuân thủ các quy định pháp luật, quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn môi trường, giúp dự án tránh được các vấn đề pháp lý.
Đồng bộ với các hạng mục khác: Giúp đảm bảo rằng thiết kế của các hạng mục được đồng bộ và phối hợp với nhau, tránh chồng chéo và xung đột trong quá trình thi công.
Thẩm định thiết kế cơ sở
Khi thiết kế cơ sở được hoàn thành sẽ được đưa ra hội đồng thẩm định để đánh giá chất lượng của công trình xây dựng.
Theo đó, đơn vị có thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở phụ thuộc vào đơn vị chủ trì và loại hình dự án xây dựng.
Với dự án đầu tư xây dựng: phụ thuộc vào từng loại công trình xây dựng sẽ có các cơ quan chủ trì là đơn vị có quyền thẩm định, đánh giá thiết kế.
Với công trình giao thông: do Bộ Giao thông vận tải thẩm định.
Với công trình dân dụng, công trình công nghiệp vật liệu xây dựng, công trình giao thông đô thị: do Bộ Xây dựng thẩm định.
Với công trình nhà máy điện, hầm mỏ, dầu khí…đơn vị chủ trì thẩm định là là Bộ Công Thương.
Với các công trình về an ninh, quốc phòng: Bộ quốc phòng và Bộ Công an sẽ thẩm định đánh giá thiết kế cơ sở.
Với các công trình thuộc đơn vị cơ sở, nằm trên địa bàn tỉnh, các cơ quan thuộc sở thì Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng của tỉnh đó,… là đơn vị chịu trách nhiệm thẩm định, đánh giá thiết kế cơ sở./.
Đừng quên theo dõi Cẩm nang nhà đất trên DFF.VN để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé!