Thông tin trên được cho biết tại báo cáo tiền khả thi Dự án phát triển tuyến đường sắt nhẹ (LRT) Thủ Dầu Một mới đây của của Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản).
Cụ thể, tuyến LRT trên dự kiến có điểm đầu đặt tại tòa nhà Becamex trên Đại lộ Bình Dương và điểm cuối ở Vòng xoay Thành phố mới Bình Dương. Toàn tuyến dài 13 km với 10 ga và tổng vốn đầu tư khoảng 5.200 tỷ đồng.
Đáng chu ý, đại diện Tokyu cho biết trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Bình Dương, tập đoàn đã đề xuất dự án và nhận khoản tài trợ 100 triệu yen từ Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản để khảo sát và lập quy hoạch tổng thể phát triển vùng tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh.
Bên cạnh đó, Tokyu còn nhắm đến các yếu tố quan trọng khác như khu công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo và thành phố thông minh theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development).

Sơ đồ tuyến LRT Thủ Dầu Một (Ảnh: Báo Bình Dương)
Ngoài tuyến LRT Thủ Dầu Một , tập đoàn Nhật Bản cũng đề xuất thực hiện tuyến metro số 1 và số 2 của Bình Dương.
Theo Tokyu, sẽ có 2 phương án để thực hiện 3 tuyến đường sắt nêu trên.
Một là phát triển riêng lẻ 3 tuyến theo chức năng khác nhau. Hai là tích hợp tuyến LRT vào metro số 2 để đồng bộ vận hành, đòi hỏi phải có thiết kế phù hợp để đảm bảo khả năng kết nối giữa các tuyến.
Theo ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương - nếu tuyến metro số 1 hình thành nên mạng lưới kết nối với TP.HCM, Đồng Nai, thì tuyến LRT có vai trò kết nối các khu vực trung tâm của Bình Dương để chuyển tiếp đến các nhà ga chính của tuyến metro.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cho ràng, sự kết hợp giữa LRT và các tuyến xe buýt trung chuyển được kỳ vọng làm giảm áp lực giao thông, đặc biệt tại những khu vực đông dân cư và các khu công nghiệp.
Năm 2012, Tokyu cùng Becamex IDC đã ký hợp đồng liên doanh trở thành đối tác chiến lược, đồng thời thành lập Công ty TNHH Becamex Tokyu (Becamex Tokyu) với vốn điều lệ ở mức 8.600 tỷ đồng.
Cùng năm, Becamex Tokyu đã triển khai dự án Khu đô thị Tokyu Garden City tại Thành phố mới Bình Dương với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, quy mô 110 ha.