Thứ Tư, 22/5/2024, 10:02 (GMT+7)
Người theo dõi

Tăng vốn cho nhóm "Big4": BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank đang ở bước nào?

Việc tăng vốn của "Big4" ngân hàng diễn ra tương đối chậm so với nhóm tư nhân do phụ thuộc vào sự phê duyệt của các cơ quan chức năng.

Tiến độ tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, hay còn gọi là nhóm "Big4", được Chính phủ cập nhật trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây. 

Cụ thể, đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), trên cơ sở báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tại Nghị quyết số 101/2023/QH15, Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021 - 2023 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2023 của Agribank, tối đa 17.100 tỷ đồng và Quyết định số 1584/QĐ-TTg ngày 07/12/2023 về việc giao bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 cho Agribank (6.753 tỷ đồng).

Với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã CK: BID), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1119/QĐ-TTg phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào BIDV thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021.

Trong khi đó, với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt nam (Vietcombank, mã CK: VCB) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã CK: CTG), NHNN đang tổ chức lấy ý kiến các Bộ liên quan về: Dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Tờ trình Quốc hội về đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 (20.695 tỷ đồng); Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào Vietinbank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009-2016 và năm 2021 (7.948 tỷ đồng).

Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ là bước đi tất yếu và cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, từ đó mở rộng quy mô, năng lực cạnh tranh và đáp ứng kế hoạch phát triển mạng lưới giao dịch.

Bên cạnh đó, việc tăng vốn cũng sẽ tạo ra dư địa về nguồn lực để các ngân hàng đầu tư cho các hệ thống công nghệ theo yêu cầu tất yếu của kỷ nguyên ngân hàng số nhằm tăng trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng và đẩy mạnh hoạt động tín dụng, kinh doanh hiệu quả hơn nữa./.

Chia sẻ
Báo cáo
A
Người dùng
Tài chính Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên