Lê Minh Thứ Hai, 21/10/2024, 15:43 (GMT+7)
Người theo dõi

Tại sao lạm phát hạ nhiệt nhưng Fed vẫn chưa "an tâm"?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhận định dù các thước đo lạm phát hạ nhiệt, nhưng giá cả hàng hóa và dịch vụ trên khắp nước Mỹ vẫn tiếp tục đè nặng lên người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Theo đó, các báo cáo giá hàng hoá và dịch vụ gần đây đều chỉ ra tỷ lệ lạm phát đang tiến gần đến mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Việc đưa lạm phát về gần mức mục tiêu nhưng điều đó không có nghĩa là vấn đề đã được giải quyết. 

Trên thực tế, Goldman Sachs còn kỳ vọng rằng khi Bộ Thương mại Mỹ công bố thước đo giá cả ưa thích của Fed vào cuối tháng, lạm phát có thể đã gần đủ để làm tròn xuống mức 2%.

Tuy nhiên, bức tranh lạm phát đang khá “chắp vá”. Các nhà kinh tế không thể nắm bắt toàn bộ bức tranh bằng bất kỳ thước đo riêng lẻ nào và theo nhiều khía cạnh, lạm phát vẫn còn cao hơn con số mà hầu hết người Mỹ cũng như giới chức Fed cảm thấy thoải mái.

“Chúng tôi chưa thể đảm bảo lạm phát sẽ tiếp tục hướng tới mức mục tiêu của Fed, vì vậy chúng tôi phải luôn cảnh giác”, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly cho biết.

Theo quan điểm của bà Daly, việc Fed giảm lãi suất 50 bsp vào tháng 9 là một nỗ lực nhằm “điều chỉnh chính sách”. Tức là, Fed chỉ muốn đưa lãi suất xuống mức phù hợp với tỷ lệ lạm phát hiện tại và với những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động đang suy yếu.

Tại sao lạm phát hạ nhiệt nhưng Fed vẫn chưa an tâm?Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco Mary Daly (Ảnh: Bloomberg)

Khi nói đến lạm phát, CNBC cho biết công chúng nên lưu ý hai điểm: tốc độ tăng giá cả so với cùng kỳ năm trước (thứ gây chú ý trên truyền thông hơn) và những tác động tổng hợp mà lạm phát đã gây ra cho nền kinh tế trong hơn ba năm qua.

Dù lạm phát đã hạ nhiệt, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022 xuống 2,4% vào tháng 9/2024, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khiến Fed lo ngại.

Nguyên nhân chính là lạm phát không chỉ là con số tạm thời, mà đã có tác động kéo dài từ đầu năm 2021. CPI đã tăng tổng cộng 18,8% kể từ khi vượt mốc 2% vào tháng 3/2021, với các mặt hàng như thực phẩm và chi phí nhà ở tăng vọt.

Điển hình như, lạm phát “giá cứng nhắc (sticky price)” của Fed chi nhánh Atlanta vẫn ở mức 4,9% vào tháng 9. Đây là các chi phí khó giảm như tiền thuê nhà, bảo hiểm và dịch vụ y tế, trong khi các mặt hàng dễ biến động như thực phẩm và năng lượng lại có xu hướng giảm giá, với chỉ số CPI linh hoạt giảm 2,1% vào cùng kỳ.

Điều này chỉ ra rằng, dù lạm phát tổng thể giảm, những khoản chi không thay đổi nhiều và tiếp tục tạo áp lực lên ngân sách của người tiêu dùng.

Một vấn đề khác là người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu nhờ vay nợ, bất chấp chi phí sinh hoạt leo thang. Nợ hộ gia đình đã tăng thêm 3.250 tỷ USD kể từ quý I/2021, đạt mức 20.200 tỷ USD vào quý II/2024.

Tỷ lệ nợ quá hạn đã chạm mức cao nhất trong gần 12 năm, lên đến 2,74%. Điều này báo hiệu rủi ro tăng khi nhiều người dân có khả năng không trả được nợ trong tương lai gần.

Và không chỉ người tiêu dùng mới vay nợ. Theo Bank of America, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ sử dụng thẻ tín dụng đã tăng hơn 20% so với trước đại dịch và mấp mé mức cao nhất trong một thập kỷ.

Lạm phát giảm nhưng không đồng nghĩa với việc Fed có thể “lơ là”. Các yếu tố như lạm phát "giá cứng nhắc", chi tiêu dựa trên vay nợ và sự phức tạp trong việc duy trì lãi suất đang khiến Fed phải đối mặt với các lựa chọn khó khăn.

Dù tình hình đã cải thiện, nguy cơ lạm phát quay trở lại vẫn hiện hữu nếu Fed không hành động thận trọng./.

Nguồn tham khảo: Doanh nhân Việt Nam

Chia sẻ
Báo cáo
Lê Minh Người dùng
Tài chính Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên