Tái khởi động ‘game’ tăng vốn, TCBS sẽ giới thiệu khách hàng tổ chức cho Techcombank
17:27 24/10/2024
Nếu tăng vốn thành công, quy mô vốn điều lệ của TCBS sẽ ngang ngửa với một bank tầm trung. TCBS cũng là một trong số ít cái tên có dư nợ cho vay margin tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2024, với quy mô lên tới cả tỷ USD.
CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đang tiến nhanh đến mục tiêu có 5 triệu khách hàng vào năm 2025.
Nhờ chính sách Zero Fee, số lượng khách hàng mới của TCBS trên đà bùng nổ. Luỹ kế 9 tháng năm 2024, công ty chứng khoán này đã thu hút hơn 32.000 khách hàng mới giao dịch cổ phiếu, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch cổ phiếu qua nền tảng TCInvest cũng tăng trưởng mạnh, với mức tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị phần môi giới chứng khoán của TCBS cũng ngày càng được củng cố. TCBS vừa có quý thứ 4 liên tiếp nằm trong tốp 3 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất trên sàn HOSE.
Không chỉ tập trung cho khách hàng cá nhân, TCBS còn hướng tới khách hàng tổ chức.
Ngày 14/10, Hội đồng quản trị (HĐQT) TCBS đã phê duyệt hợp tác giới thiệu khách hàng tổ chức với ngân hàng mẹ - Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã CK: TCB).
Cụ thể, Điều 1 của quyết nghị này nêu rõ:
“Phê duyệt việc ký kết các hợp đồng và giấy tờ nghiệp vụ khác liên quan đến việc hợp tác giới thiệu khách hàng tổ chức giữa TCBS và TCB - là Người có liên quan của TCBS với nội dung chính như sau:
- Tên nội dung giao dịch: THOẢ THUẬN HỢP TÁC GIỮA TECHCOMBANK - TCBS;
- Thông tin về Đối tác ký Hợp đồng là Người có liên quan của TCBS: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam;
- Giá trị giao dịch: không có chi phí;
- Các nội dung khác theo thoả thuận giữa Hai Bên và phù hợp với quy định của pháp luật”.
Đặt mục tiêu trở thành “nhạc trưởng” của dòng chảy vốn tại Việt Nam, TCBS mới đây đã tái khởi động ‘game’ tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, công ty chứng khoán này đang triển khai việc phát hành tối đa 1,7 tỷ cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ lên gấp 9 lần, từ 2.179,2 tỷ đồng lên mức 19.613,2 tỷ đồng.
Nếu thuận, TCBS sẽ vượt qua VNDirect và SSI trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường. Chưa dừng lại ở đó, quy mô vốn điều lệ của TCBS sẽ ngang ngửa với một bank tầm trung.
Kể cả khi chưa tăng vốn điều lệ, TCBS đã phát huy tối đa lợi thế của một cộng ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn nhất thị trường.
Định chế tài chính này rất tích cực trong việc cho vay ký quỹ (cho vay margin), với dư nợ cho vay tại thời điểm cuối quý III/2024 đã lên tới cả tỷ USD, đạt mức 24.988,5 tỷ đồng và tăng 54% so với đầu năm.
Lãi từ các khoản cho vay và phải thu, vì thế, cũng vượt qua hoạt động tự doanh và tư vấn phát hành trái phiếu để trở thành nguồn thu lớn nhất của TCBS trong 9 tháng đầu năm 2024.
Riêng trong quý III/2024, công ty chứng khoán này ghi nhận lãi từ các khoản cho vay và phải thu ở mức kỷ lục, đạt 706 tỷ đồng, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm trước.
>TCBS, MBS, ACBS và ‘shadow banking’ dần hiện
Khá trùng hợp, cả ba công ty chứng khoán có công ty mẹ là các nhà băng tư nhân đang lên gồm: TCBS, MBS và ACBS đều ghi nhận lãi từ cho vay và phải thu đạt mức kỷ lục trong quý III/2024.
Nhìn rộng ra, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán tăng 6 quý liên tiếp qua đó lên mức kỷ lục 232.000 tỷ đồng vào cuối quý III/2024.
Trong bối cảnh mảng tự doanh phụ thuộc vào diễn biến thị trường, hoạt động môi giới cạnh tranh ngày càng gay gắt, nghiệp vụ cho vay đang ngày càng đóng góp quan trọng trong hoạt động của các công ty chứng khoán.
Dù cho vay margin liên tục lập kỷ lục, song như đã thấy, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý III/2024 không có sự cải thiện, thậm chí suy giảm.
Có thể hiểu, nhu cầu vay margin không chỉ đơn thuần đến từ các nhà đầu tư cá nhân mà có một phần không nhỏ là “deal” giữa các tổ chức, lãnh đạo doanh nghiệp với công ty chứng khoán.
Đặt trong bối cảnh kênh trái phiếu còn lâu mới ấm lại, còn kênh tín dụng tiếp tục khó khăn, việc cầm cố, thế chấp cổ phiếu tại các công ty chứng khoán có lẽ là giải pháp đơn giản và linh hoạt hơn nhiều cho các chủ doanh nghiệp.
Liệu đó có phải là tiền đề cho sự trỗi dậy của “shadow banking”, hãy cùng chờ xem!./.