Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Sửa Luật Điện lực để huy động 70-80 tỷ USD tiền đầu tư

09:29 04/11/2024

Việc sửa Luật Điện lực nhằm tạo điều kiện xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội để đảm bảo an ninh năng lượng, dự kiến đối với nguồn điện cần khoảng 70-80 tỷ USD.

Bộ Công Thương vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thận trọng, khách quan, toàn diện. Ủy ban đề nghị thông qua luật tại hai kỳ họp (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra và thông qua tại kỳ họp sau).

Về phạm vi sửa đổi, thông qua Báo cáo giải trình, Bộ Công Thương khẳng định dự thảo luật đã tập trung sửa đổi các nội dung “đã chín, đã rõ” và đã tập trung bổ sung các quy định còn thiếu để giải quyết các vấn đề cấp bách.

Theo Bộ Công Thương, các nội dung được đề xuất tại Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng bao gồm cả nội dung về năng lượng tái tạo, năng lượng mới đã được kiểm nghiệm trong thực tế nhiều năm.

Riêng đối với các nội dung mới như phát triển điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân, việc xây dựng nguyên tắc tại luật và giao xây dựng các văn bản quy định chi tiết là phù hợp với giai đoạn hiện nay, để có cơ sở triển khai từng bước và có những đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm tiến tới hoàn thiện các quy định tại Luật trong các giai đoạn tiếp theo.

Theo tổng sơ đồ điện 8 và tính toán của Bộ Công Thương, NSMO, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến đến năm 2030 công suất đỉnh hệ thống sẽ tăng thêm 40.000 MW, đạt 90.000MW so với thời điểm cuối năm 2024 (khoảng 50.000MW). Trong đó, miền Bắc cần 20.000MW, miền Nam 18.000MW, miền Trung 2.000MW.

Bộ Công Thương đánh giá đây là lượng công suất rất lớn, thời gian xây dựng các công trình điện lực kéo dài, thường tới 3-5 năm thi công. Vì vậy, cần có đạo luật mới được ban hành trong thời gian sớm nhất nhằm tháo gỡ về mặt thể chế hóa.

Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi về quy hoạch và đầu tư để sớm đưa các nguồn điện vào hệ thống điện; tạo điều kiện xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội để đảm bảo an ninh năng lượng, dự kiến đối với nguồn điện cần khoảng 70-80 tỷ USD; bổ sung thể chế và có cơ chế để huy động các loại nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng hạt nhân.

"Với các căn cứ cấp bách như trên, Chính phủ đã có đề nghị Quốc hội thông qua 1 kỳ họp", Bộ Công Thương giải trình./. 

Nguồn tham khảo: VietNamNet