Sự yếu ớt của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam qua số liệu cấu trúc GDP
18:08 12/02/2025
Mấy hôm nay, một số bạn hỏi tôi về tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP ở Việt Nam. Nhân đây, tôi sẽ trình bày vắn tắt về cấu trúc GDP theo hình thức sở hữu ở Việt Nam để giúp hạn chế nhầm lẫn, nhất là khi hệ thống chỉ tiêu thống kê của Việt Nam thỉnh thoảng lại bị điều chỉnh.
Mấy hôm nay, một số bạn hỏi tôi về tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP ở Việt Nam. Nhân đây, tôi sẽ trình bày vắn tắt về cấu trúc GDP theo hình thức sở hữu ở Việt Nam để giúp hạn chế nhầm lẫn, nhất là khi hệ thống chỉ tiêu thống kê của Việt Nam thỉnh thoảng lại bị điều chỉnh.
Khu vực kinh tế - Hình thức sở hữu - Thành phần kinh tế - Loại hình kinh tế
Trong cách nói phổ thông, thậm chí trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước, chúng ta hay bắt gặp các cụm từ “khu vực kinh tế nhà nước”, “khu vực kinh tế tư nhân”, “khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”.
Tuy nhiên, niên giám thống kê (NGTK) của Tổng cục Thống kê (TCTK) lại dành thuật ngữ “khu vực kinh tế” (economic sector) để chỉ khu vực 1 (nông, lâm, thủy sản), khu vực 2 (công nghiệp và xây dựng), và khu vực 3 (dịch vụ); thay vào đó dùng “hình thức sở hữu”, “thành phần kinh tế”, hay mới đây hơn là “loại hình kinh tế” để chỉ các “khu vực kinh tế” theo loại hình sở hữu.
Nói tóm lại, khi đề cập về các loại hình sở hữu (ownership types), ở Việt Nam có bốn cách nói như trên, và các cách nói này thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào nội hàm kinh tế - chính trị nó muốn ám chỉ.
Cấu trúc GDP của Việt Nam theo loại hình sở hữu
Cho đến NGTK 1995, cấu trúc GDP theo “hình thức sở hữu” ở Việt Nam rất đơn giản, chỉ bao gồm “quốc doanh” (state) và “ngoài quốc doanh” (non-state).
NGTK 1996 thậm chí còn không có mục “Tổng sản phẩm trong nước phân theo hình thức sở hữu”.
Đến NGTK 1997, sự phân loại về “thành phần kinh tế” đột nhiên trở nên chi tiết, bao gồm 6 “thành phần”, bao gồm: Kinh tế nhà nước (state), kinh tế tập thể (collective), kinh tế tư nhân (private), kinh tế cá thể (household), kinh tế hỗn hợp (mixed), và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Sau này, thành phần kinh tế hỗn hợp bị đưa ra khỏi phân loại, và đến năm 2014, NGTK đưa thêm chỉ tiêu “thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm”.
Gần đây nhất, vào năm 2021, cấu trúc GDP theo “hình thức sở hữu” ở Việt Nam trong NGTK lại được điều chỉnh một lần nữa. Lần này, ba nhóm “tập thể”, “tư nhân”, và “cá thể” được ghép chung lại thành “kinh tế ngoài nhà nước” chứ không được thống kê riêng như trước nữa.
Nhân đây, xin ghi chú thêm là “kinh tế tư nhân” theo NGTK bao gồm các doanh nghiệp tư nhân được đăng ký chính thức tại Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh – thành phố trực thuộc trung ương. Để tránh nhầm lẫn, tôi tạm gọi nhóm doanh nghiệp này là “kinh tế tư nhân chính thức” hay "doanh nghiệp tư nhân" để phân biệt với “kinh tế cá thể” (hay “kinh tế tư nhân phi chính thức” vì không cần đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư mà chỉ cần đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận – huyện).
Vậy tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP của Việt Nam là bao nhiêu?
Tôi tin rằng không ai biết chính xác mức đóng góp thực tế của khu vực tư nhân cho GDP của Việt Nam là bao nhiêu. Vì vậy, các trao đổi dưới đây chỉ nói về chỉ tiêu này như nó được ghi nhận trong các niên giám thống kê chính thức của Tổng cục Thống kê.
Nhìn vào đồ thị, có thể thấy, trong suốt 15 năm kể từ 2006 khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO đến 2020 (năm gần nhất còn có số liệu), tỷ trọng trung bình của loại hình kinh tế tư nhân chính thức (tức là có đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư) trong GDP chưa đến 9%.
Năm cao nhất (2009), tỷ lệ này cũng chỉ là 10,5%, năm thấp nhất (2010) là 6,9%, và năm gần nhất có số liệu (2020) là 9,7%.
Số liệu mấy năm gần đây cho thấy, tỷ trọng trong GDP của kinh tế tư nhân chính thức chỉ xấp xỉ ½ so với khu vực FDI và chỉ bằng khoảng 1/3 so với kinh tế hộ gia đình.
Những con số này phản ảnh thực trạng yếu ớt của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam – mà lẽ ra, như trong các nền kinh tế hiện đại, đây phải là khu vực năng động và đóng góp nhiều nhất cho nền kinh tế quốc gia.
***
Hy vọng đọc đến đây, những bạn thắc mắc về tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong GDP ở Việt Nam đã có câu trả lời cho mình. Cũng hy vọng là trong tương lai, TCTK hạn chế tối đa những thay đổi trong phân loại thống kê để tránh sự đứt gãy trong chuỗi số liệu, điều không chỉ làm khó các nhà phân tích kinh tế, mà còn dễ gây hiểu nhầm cho công chúng.
Cre: TS. Vũ Thành Tự Anh - Giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam