Sự bùng nổ của stablecoin có đẩy Trung Quốc vào thế "tiến thoái lưỡng nan"?
17:05 02/07/2025
Trung Quốc đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ nhóm cố vấn chính sách kinh tế, về việc cần cân nhắc sử dụng stablecoin trong thanh toán quốc tế – trong bối cảnh Mỹ đang ráo riết đẩy mạnh vị thế đồng USD thông qua đồng tiền số này, theo Bloomberg.
Sự bùng nổ của stablecoin có đẩy Trung Quốc vào thế "tiến thoái lưỡng nan"?
Hiện, Bắc Kinh vẫn duy trì lệnh cấm toàn diện với các hoạt động liên quan tới tiền mã hóa và chưa có động thái chấp nhận stablecoin - đồng tiền số được neo theo tiền pháp định.
Tuy nhiên, hững phát biểu gần đây của các quan chức cấp cao Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang tạo động lực mới cho các cuộc thảo luận về vai trò tiềm năng của stablecoin trong thanh toán xuyên biên giới.
Ông Pan Gongsheng (Phan Công Thắng) – Thống đốc PBoC – nhận định rằng stablecoin có thể cách mạng hóa hệ thống tài chính quốc tế.
Trong bối cảnh hệ thống thanh toán truyền thống bộc lộ những điểm yếu (có thể bị chính trị hóa hoặc làm công cụ trừng phạt), dưới sức ép chính trị.
Cả cựu Thống đốc PBoC, ông Zhou Xiaochuan (Chu Tiểu Xuyên), cũng cảnh báo stablecoin gắn với USD sẽ đẩy mạnh chiến lược "đô la hóa" cua Mỹ. Một số quan chức khác từ đại lục và Hong Kong đồng lòng cho rằng stablecoin neo theo nhân dân tệ có thể hỗ trợ chiến lược lâu dài của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa đồng tiền nội địa.
Giao dịch toàn cầu của stablecoin đang chạy đua với Visa (Nguồn: Bloomberg)
Trung Quốc từ lâu vẫn xem tiền mã hóa là mối đe dọa đối với ổn định tài chính và kiểm soát vốn. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng một "khe cửa hẹp" đang mở ra, một phần đến từ sự ủng hộ công khai của chính quyền Trump dành cho tài sản số.
Ngân hàng Morgan Stanley gợi ý rằng Bắc Kinh có thể sử dụng 'phòng thí nghiệm' Hong Kong để phát hành stablecoin neo theo đồng nhân dân tệ được giao dịch ngoài Trung Quốc đại lục (CNH).
“Stablecoin không phải là một loại tiền tệ mới, mà là kênh phân phối mới cho các loại tiền pháp định hiện hữu. Nếu Trung Quốc muốn duy trì năng lực cạnh tranh trong cuộc đua hạ tầng tài chính số, họ phải bắt kịp xu hướng token hóa tiền tệ quốc gia", ông Robin Xing, đại diện Morgan Stanley nhận định.
Stablecoin củng cố sức mạnh "đồng bạc xanh"
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhiều lần tuyên bố stablecoin sẽ là quân bài chiến lược để Mỹ củng cố vị thế của đồng USD. Trên Bloomberg TV, ông khẳng định người dùng toàn cầu sẽ tin tưởng stablecoin gắn với USD được tư nhân phát hành hơn là các loại tiền số do chính phủ kiểm soát từ Trung Quốc hay châu Âu.
Hiện nay, phần lớn stablecoin đều gắn với USD, được hỗ trợ bằng tài sản Mỹ như trái phiếu kho bạc ngắn hạn. Tổng nguồn cung stablecoin toàn cầu được dự báo sẽ đạt 3,7 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Lo sợ mất vị thế trong cuộc đua tiền tệ thế hệ mới, các nhà kinh tế Trung Quốc thúc giục chính phủ nước này hành động sớm.
Ông Shen Jianguang - Phó Chủ tịch của tập đoàn thương mại điện tử JD.com cho biết, công ty đã 'bắt sóng' bằng cách đăng ký giấy phép stablecoin ở tất cả các thị trường lớn nhằm giảm 90% chi phí thanh toán xuyên biên giới và rút ngắn thời gian xử lý xuống dưới 10 giây.
Hong Kong hiện đã đưa ra khung pháp lý riêng cho stablecoin tham chiếu tiền pháp định, và JD.com cùng Ant Group của tỷ phú Jack Ma dự kiến là các tập đoàn công nghệ đầu tiên nộp đơn xin cấp phép. Tập đoàn Thương mại Quốc tế Nghĩa Ô - doanh nghiệp vận hành chợ buôn lớn nhất thế giới – cũng cho biết đang chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép.
Stablecoin gắn với đồng nhân dân tệ có thể giúp Trung Quốc tận dụng làn sóng lo ngại toàn cầu về sự thống trị của đồng USD, đặc biệt sau khi Mỹ sử dụng công cụ tài chính để gây áp lực lên Nga sau xung đột Ukraine.
Đáng chú ý, hơn 30% thương mại hàng hóa của Trung Quốc trong tháng 2 được thanh toán bằng nhân dân tệ – mức cao nhất trong một thập kỷ.
USD thống trị hệ thống thanh toán SWIFT, trong khi đó CNY vẫn mờ nhạt (Nguồn: Bloomberg)
e-CNY không hiệu quả, mBridge gặp khó, stablecoin mở hướng đi mới?
Mặc dù Trung Quốc đã phát triển tiền số ngân hàng trung ương e-CNY, nhưng loại tiền này vẫn thiếu sức hút cả trong và ngoài nước, theo Bloomberg. Sáng kiến thanh toán xuyên biên giới mBridge cũng đang gặp trục trặc sau khi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) rút khỏi dự án do lo ngại bị dùng để lách trừng phạt.
Thống đốc PBoC mới đây công bố kế hoạch xây dựng trung tâm e-CNY quốc tế tại Thượng Hải, cho thấy Bắc Kinh vẫn muốn thúc đẩy công cụ này trong thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Li Yang (Lý Dương) – Chủ tịch Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, cựu cố vấn PBoC – Trung Quốc nên triển khai chiến lược "lưỡng đắc song toàn" để quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Một mặt tiếp tục mở rộng mạng lưới hoán đổi tiền tệ và hệ thống thanh toán CIPS; mặt khác tận dụng Hong Kong làm bàn đạp phát hành stablecoin.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng stablecoin nhân dân tệ sẽ khó phát triển nếu Trung Quốc không cải cách mạnh mẽ hơn.
"Stablecoin neo theo đồng CNH phát hành ở Hong Kong sẽ khó tạo tác động thực sự nếu Bắc Kinh không hợp nhất thị trường hối đoái trong nước và quốc tế”, ông Eswar Prasad – Giáo sư tại Đại học Cornell nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sự trỗi dậy của stablecoin có thể buộc Bắc Kinh phải cải tổ. Bằng cách gây sức ép lên cơ chế điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ, stablecoin có thể trở thành chất xúc tác cho tự do hóa tài chính và cải cách thị trường./.