Theo SSI, trong ngắn hạn, thị trường có thể biến động mạnh trong giai đoạn tháng 7 – đầu tháng 8 do áp lực chốt lời trong mùa kết quả kinh doanh, cùng việc dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ bị hạn chế và tác động từ thuế quan bắt đầu được thể hiện rõ rệt hơn.

Cụ thể, trong báo cáo chiến lược phát hành mới đây, CTCP Chứng khoán SSI (Mã CK: SSI) dẫn lại thống kê trong giai đoạn 2010 – 2024 cho thấy mức tăng bình quân của chỉ số trong nửa cuối năm có xu hướng thấp hơn nửa đầu năm.
Trung bình, VN-Index tăng 1,64% trong giai đoạn nửa cuối năm, thấp hơn đáng kể mức tăng 6,42% ghi nhận trong nửa đầu năm. Diễn biến này phản ánh xu hướng suy giảm mang tính mùa vụ về động lực thị trường, vốn được ghi nhận qua nhiều năm.
Tuy nhiên, vẫn có một số ngoại lệ nổi bật. Năm 2017, thị trường bứt phá mạnh sau giai đoạn tích lũy kéo dài từ 2013 đến 2016, với động lực chính đến từ dòng vốn đầu tư nước ngoài. Trong nửa cuối năm 2020, VN-Index cũng ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ sau cú sụt giảm sâu do đại dịch Covid-19 trong nửa đầu năm.
Theo SSI, những ngoại lệ này cho thấy yếu tố vĩ mô và thanh khoản đóng vai trò then chốt trong việc xác định hiệu suất thị trường trong nửa cuối năm.
Trong ngắn hạn, SSI cho rằng VN-Index có thể biến động mạnh trong giai đoạn tháng 7 – đầu tháng 8 do 3 yếu tố chính:
👉 Áp lực chốt lời trong mùa kết quả kinh doanh ra vào cuối tháng 7.
👉 Dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ bị hạn chế trong bối cảnh tỷ giá đã tăng hơn 3% trong 6 tháng đầu năm.
👉 Tác động từ thuế quan bắt đầu được thể hiện rõ rệt hơn, thể hiện qua số liệu xuất khẩu và kết quả kinh doanh quý 3 của một số nhómngành liên quan như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp.

Diễn biến điểm số VN-Index
Dù vậy, công ty chứng khoán này vẫn duy trì quan điểm tích cực về thị trường trong dài hạn với mục tiêu VN-Index đạt 1.500 cuối năm 2025 nhờ các động lực chính gồm:
👉 Kinh tế vĩ mô ổn định: Chính phủ duy trì mục tiêu tăng trưởng cao, với các động lực nội địa như đầu tư hạ tầng, bất động sản phục hồi và thúc đẩy khu vực tư nhân.
👉 Tăng trưởng lợi nhuận khả quan: SSI dự báo lợi nhuận ròng của 79 cổ phiếu mà nhóm theo dõi sẽ tăng 14% trong 2025 và 15% trong 2026.
👉 Thuế quan và tỷ giá thuận lợi: Dù rủi ro thuế quan vẫn hiện hữu ở một số ngành, song khoảng cách thuế giữa Việt Nam và các nước đang dần thu hẹp, góp phần giảm áp lực tổng thể. Đồng thời, diễn biến tỷ giá tăng giúp hàng hóa Việt duy trì lợi thế cạnh tranh tương đối trên thị trường quốc tế.
👉 Định giá vẫn hấp dẫn: P/E dự phóng của thị trường tăng từ 8,8 lần (ngày 9/4) lên 11,9 lần (ngày 9/7), nhưng vẫn dưới mức trung bình 5 năm là 12,8 lần. So với khu vực, định giá của Việt Nam vẫn hấp dẫn, với ROE cao và triển vọng lợi nhuận tích cực.
👉 Lãi suất thấp, TTCK thu hút dòng tiền: Lợi suất thị trường đạt 8,4%, vượt trội so với lãi suất huy động bình quân 4,6%, tạo động lực thu hút lại dòng tiền từ dân cư.