Minh Long 10 giờ trước
Người theo dõi

Soi núi tiền gửi ngân hàng của loạt "ông lớn" trên sàn chứng khoán

Thống kê từ báo cáo tài chính quý 1/2025 của 15 doanh nghiệp có núi tiền gửi lớn nhất cho thấy họ đang gửi tới hơn 300.000 tỷ đồng tại các ngân hàng, tương đương hơn 11,5 tỷ USD.

Dẫn đầu danh sách là CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã CK: VGI) với số dư tiền gửi ở mức hơn 39.600 tỷ đồng. "Núi" tiền khổng lồ này cũng giúp VGI ghi nhận khoản lãi tiền gửi hơn 409 tỷ đồng trong quý đầu năm 2025.

Viettel Global là đơn vị phụ trách hoạt động đầu tư quốc tế của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Doanh nghiệp này đang hiện diện tại 10 thị trường trải dài từ Đông Nam Á tới châu Phi và châu Mỹ Latinh, bao gồm Lào, Campuchia, Myanmar, Haiti, Peru, Mozambique, Cameroon, Tanzania, Đông Timor và Burundi.

Việc phân bổ đầu tư tại nhiều quốc gia giúp doanh nghiệp này mở rộng hiện diện toàn cầu, nhưng đồng thời cũng kéo theo nhiều rủi ro, nhất là về tỷ giá và biến động địa chính trị. Tuy vậy, nhờ nắm giữ lượng lớn tiền gửi, Viettel Global vẫn có nguồn thu tài chính ổn định hàng trăm tỷ đồng mỗi quý – trở thành “đệm tài chính” quan trọng trong bối cảnh thị trường biến động.

Xếp ngay sau thành viên của Viettel, Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã CK: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện cũng đang "cất" gần 39.000 tỷ đồng trong các ngân hàng. Lượng tiền mặt dồi dào này cũng giúp tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam thu về tới gần 1.500 tỷ đồng tiền lãi, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2024, Vingroup là doanh nghiệp nắm giữ lượng tiền "tươi" lớn nhất trong số các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán, với số dư tại cuối năm đạt khoảng 47.800 tỷ đồng (1,8 tỷ USD), tăng 36,3% so với đầu năm.

Trong khi đó, kết quý 1/2025, CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (Mã CK: BSR) ghi nhận lượng tiền gửi ngân hàng đạt mức 37.300 tỷ đồng, xếp thứ 3 trong số các doanh nghiệp niêm yết.

Tuy nhiên, con số này đã giảm tương đối so với mức hơn 43.000 tỷ đồng tại cuối năm 2024. Do đó, khoản lãi từ tiền gửi của doanh nghiệp trong quý đầu năm 2025 cũng giảm mạnh từ 355 tỷ đồng xuống còn 273 tỷ đồng.

Cũng xuất hiện trong bảng xếp hạng các doanh nghiệp có lượng tiền lớn gửi ngân hàng, là CTCP Tập đoàn Hoà Phát của tỷ phú Trần Đình Long với số dư tại 31/3/2025 đạt 23.600 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên (AGM) 2024, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết doanh nghiệp luôn duy trì lượng tiền gửi lớn để làm nguồn vốn thực hiện dự án quan trọng. Tập đoàn này muốn cân bằng giữa tiền đi vay và vốn tự có, bởi theo ông Long, doanh nghiệp "lạm dụng" đòn bẩy tài chính có thể hứng chịu hậu quả lớn.

"Trên thương trường, mọi người cứ gọi Hoà Phát là 'vua tiền mặt', nhưng đó không phải là tiền dôi dư. Chúng tôi không thể phiêu lưu cầm tiền đi đầu tư hay 'ôm' bất động sản mà phải để chuẩn bị cho sản xuất kinh doanh", lãnh đạo Hoà Phát nói.

Thương trường Việt trong vài năm gần đây cũng ghi nhận "tay buôn tiền" mới mang tên CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã CK: MWG). Tính đến cuối quý 1/2025, MWG của ông Nguyễn Đức Tài đang gửi hơn 22.800 tỷ đồng tại các ngân hàng.

Khoản tiền khổng lồ nêu trên giúp MWG ghi nhận lãi tiền gửi, cho vay và trái phiếu đạt 637 tỷ đồng, chiếm tới 91% doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ.

Năm ngoái, tổng lượng tiền, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng, đầu tư trái phiếu và cho vay đối tác của chủ chuỗi siêu thị Thế Giới Di Động thậm chí đã vượt mức 40.000 tỷ đồng - cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Chia sẻ
Báo cáo
Minh Long Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên