Siêu dự án Cảng Cần Giờ: Làm trong 22 năm, tổng vốn 113.500 tỷ đồng
10:51 29/08/2024
Thông tin trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với một số bộ, ngành, địa phương về dự thảo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển và nghe báo cáo chủ trương đầu tư Dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn (cảng Cần Giờ).
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn tại huyện Cần Giờ (TPHCM) cung cấp các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển;
Đây là dự án có quy mô dự kiến 571 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 113.500 tỷ đồng và chia thành 7 giai đoạn đầu tư trong vòng 22 năm. Cảng Cần Giờ gồm 7,2km cầu cảng, 2km bến sà lan có khả năng tiếp nhận đồng thời 13 tàu mẹ trọng tải đến 250.000 DWT, sức chở 24.000 TEUs; bến sà lan dài 1,9 km có thể tiếp nhận tàu tải trọng đến 5.000 tấn, sức chở 250 TEUs.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát tính đồng bộ, thống nhất của dự án với các quy hoạch liên quan, khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ để tiến hành thẩm định, tiếp tục làm rõ các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn.
"Thiết kế của Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn phải đồng bộ, tổng thể, chi tiết cho 7 giai đoạn đầu tư, xác định rõ vị trí các khu chức năng, giải quyết mối quan hệ với các cụm cảng biển khác, hạ tầng dùng chung, hạ tầng kết nối, đào tạo nhân lực,…", Phó Thủ tướng lưu ý và nêu rõ, "không bỏ qua, hy sinh môi trường", bảo đảm lợi ích tổng thể, hài hòa, tránh xung đột với các dự án khác.
>Được biết, Mediterranean Shipping (MSC) và Terminal Investment Limited Holding S.A. (TiLH) từng bày tỏ mong muốn hợp tác với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Công ty cổ phần cảng Sài Gòn (Mã CK: SGP) để đầu tư phát triển dự án Cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ tại Cần Giờ.
Hồi tháng 4/2023, Công ty Terminal Investment Limited Holding S.A (thuộc MSC) và SGP đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chủ trương đầu tư dự án này.
MSC là một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới, có trụ sở tại Thụy Sĩ. Tại Việt Nam, tập đoàn này hiện có cung cấp dịch vụ tại một số cảng container tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cái Mép – Thị Vải.
Đáng chú ý, cuộc họp cũng ghi nhận sự hiện diện của ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Tổng Giám đốc Tổng Công ty hàng Hải Việt Nam (VIMC). Ông Tĩnh cho biết, dự án cảng Cần Giờ có tính khả thi cao vì sản lượng hàng hóa đã được xác định.
Tổng Giám đốc VIMC đề nghị TPHCM chỉ đạo các giải pháp, bảo đảm vấn đề giao đất cho dự án theo đúng tiến độ; đồng thời công bố rõ các tiêu chí, những vấn đề mà nhà đầu tư cần phải cam kết./.