Phạm Văn Duy Chủ nhật, 23/6/2024, 13:55 (GMT+7)
Người theo dõi

"Shark" Phạm Văn Tam Asanzo bị khởi tố

Ông Phạm Văn Tam – cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Asanzo (Asanzo) – bị khởi tố với cáo buộc trốn thuế hơn 15,7 tỷ đồng.

Truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin về việc khởi tố nhà sáng lập Asanzo Phạm Văn Tam vào trưa nay (23/6).

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, ông Tam bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP. HCM khởi tố về tội trốn thuế, theo khoản 3 điều 200 Bộ luật Hình sự. Ông Phạm Xuân Tình – Tổng giám đốc Asanzo – cũng bị khởi tố về cùng tội danh.

Trước mắt, theo tờ này, các ông Phạm Văn Tam và Phạm Xuân Tình "bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú”.

“Kết quả điều tra bước đầu xác định ông Phạm Văn Tam đã chỉ đạo Phạm Xuân Tình ký kết các hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNNHH đầu tư thương mại Việt Tài, Công ty TNHH đầu tư sản xuất An Thiên, Công ty THHH Đầu tư xuất nhập khẩu Trần Thoài; sau đó không xuất hóa đơn và để ngoài sổ sách kế toán liên quan đến doanh thu bán hàng cho Công ty TNHH điện lạnh Asanzo của Công ty Cổ phần tập đoàn Asanzo.

Ngoài ra, bị can sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, nhằm mục đích trốn số tiền thuế phải nộp là hơn 15,7 tỷ đồng” – theo Dân Trí.

Ông Phạm Văn Tam - nhà sáng lập Asanzo
Ông Phạm Văn Tam - nhà sáng lập Asanzo

"Shark" Tam và lùm xùm gian lận xuất xứ ập đến Asanzo

Sinh năm 1980, ông Phạm Văn Tam là cổ đông sáng lập của CTCP Tập đoàn Asan (tiền thân của Asanzo sau này).

Ban đầu, Tập đoàn Asan có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do ông Tam nắm giữ 90% cổ phần. Các cổ đông sáng lập còn lại có thể kể tới là CTCP Điện tử A Sanzo Việt Nam, Công ty TNHH Truyền thông Asanzo, ông Phạm Xuân Tình, ông Phạm Văn Toản và bà Phạm Thị The – cùng địa chỉ thường trú với ông Tam.

Asanzo từng vướng lùm xùm dán nhãn “Made in Vietnam” cho các mặt hàng điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc – gây ồn ã dư luận vào giữa năm 2019. Sau đó, ông Phạm Văn Tam cũng rút khỏi chương trình truyền hình Shark Tank mùa 3. Nhưng biệt danh “Shark” Tam cũng kịp gắn liền với tên tuổi của vị doanh nhân thế hệ 8x.

Tuyên bố tại buổi họp báo tự tổ chức hôm 17/9/2019, ông Phạm Văn Tam cho biết đã chịu đựng rất nhiều kể từ khi "cơn bão" liên quan đến gian lận xuất xứ ập đến Asanzo. Vị này cho biết 89 ngày "bão táp" đã khiến công ty bị thiệt hại 1.000 tỷ đồng.

Đến tháng 10/2019, Cục Thuế TP. HCM đã xử phạt và truy thu tổng cộng 68 tỷ đồng với Asanzo, trong đó truy thu số tiền thuế kê khai thiếu và trốn thuế gần 40,6 tỷ đồng. Hồ sơ vụ việc cũng được chuyển cho công an điều tra dấu hiệu vi phạm hình sự.

Ở thời điểm đó, trả lời VnExpress, ông Phạm Văn Tam nói doanh nghiệp đang khiếu nại một số khoản trong báo cáo của cơ quan thuế, cũng như xem xét việc khởi kiện các quyết định trên.

Đến tháng 11/2019, doanh nghiệp của “Shark” Tam lại vướng vào lùm xùm khác, cụ thể là việc Sharp Việt Nam gửi đơn tới 5 bộ tố cáo hành vi làm giả tài liệu và đưa ra thông tin không đúng sự thật của Asanzo.

Ngoài ra, ông Phạm Văn Tam còn là cổ đông sáng lập của CTCP Đầu tư Tập đoàn Winsan (Winsan Group), đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực hoạt động hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu, cụ thể là “Tư vấn đầu tư”. Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 5/2020, ban đầu có vốn điều lệ là 300 tỷ đồng.

Theo Tuổi Trẻ Online, trong thời gian làm giám đốc, đại diện theo pháp luật của Công ty Asanzo, ông Phạm Xuân Tình đã làm theo chỉ đạo của Phạm Văn Tam, đại diện Công ty Asanzo ký các hợp đồng nguyên tắc với nhiều công ty để mua linh kiện, phụ kiện máy điều hòa nhiệt độ.

Sau đó Công ty Asanzo mang linh kiện về lắp ráp thành phẩm máy điều hòa nhiệt độ rồi đem bán mặt hàng này nhưng không kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt”.

Cũng theo tờ này, năm 2017 và 2018, Asanzo đã xuất bán lần lượt 2.531 bộ máy và 1.446 bộ máy cho Công ty điện lạnh Asanzo, Công ty cổ phần đầu tư công nghệ điện tử Asanzo.

Ngoài ra, Asanzo còn mua linh kiện điều hòa về thuê doanh nghiệp khác gia công một phần, phần còn lại tự lắp ráp thành phẩm mặt hàng điều hòa nhiệt độ, có dán tem và bao bì in nhãn hiệu Asanzo, rồi xuất bán cho Công ty điện lạnh Asanzo nhưng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng và để ngoài sổ sách kế toán (linh kiện và thành phẩm điều hòa nhiệt độ), không khai thuế tiêu thụ đặc biệt./.

Chia sẻ
Báo cáo
D
Phạm Văn Duy Người dùng
Nhà đất Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên