Shadow banking (ngân hàng ngầm) là gì? Việt Nam có shadow banking không?
19:05 24/10/2024
Shadow banking (Ngân hàng ngầm) là một thuật ngữ thường gặp trong lĩnh vực tài chính. Vậy Shadow banking là gì? Việt Nam có Shadow banking không? Shadow banking tiềm ẩn rủi ro gì?
Shadow banking là gì?
Có nhiều định nghĩa về Shadow banking (ngân hàng ngầm), tuỳ theo góc nhìn của các tổ chức nghiên cứu.
Một trong những định nghĩa phổ biến về Shadow banking được Financial Stability Board (FSB) đưa ra năm 2012. Theo đó, Shadow banking được định nghĩa là “hoạt động trung gian tín dụng liên quan đến các thực thể và hoạt động (hoàn toàn và một phần) nằm ngoài hệ thống ngân hàng chính thức (credit intermediation involving entities and activities (fully or partially) outside the regular banking system).
Khái niệm được Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra hồi tháng 2/2014 có mở rộng thêm: Shadow banking được diễn giải là “tất cả các hoạt động tài chính, ngoại trừ hoạt động ngân hàng truyền thống, dựa vào sự hỗ trợ của khối tư nhân hoặc nhà nước để vận hành (all financial activities, except traditional banking, which rely on a private or public backstop to operate).
Còn theo Investopedia thì: Shadow banking (ngân hàng ngầm), thường được gọi là công ty tài chính phi ngân hàng (NBFC), là các hoạt động tài chính không hoặc ít chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý.
Như vậy, có thể hiểu Shadow banking, hay "ngân hàng ngầm", là một hệ thống tài chính bao gồm các tổ chức và hoạt động cho vay không thuộc hệ thống ngân hàng chính thức. Các tổ chức này cung cấp dịch vụ tài chính như ngân hàng, nhưng không hoặc ít chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý tài chính ở mức khắt khe như các ngân hàng truyền thống.
Do không bị quản lý chặt chẽ, Shadow banking tiềm ẩn nhiều rủi ro về thanh khoản và sự ổn định.
Ai có thể góp mặt trong Shadow banking system (hệ thống ngân hàng ngầm)?
Các quỹ tín dụng: Các quỹ tín dụng hoạt động như các tổ chức tài chính, chuyên biệt trong lĩnh vực vay và cho vay, có chịu sự giám sát của chính phủ nhưng không chặt chẽ như các ngân hàng truyền thống.
Các quỹ đầu tư tư nhân: Các quỹ đầu tư tư nhân hoạt động theo hình thức gọi vốn từ các nhà đầu tư, sau đó trao cho nhà đầu tư chứng chỉ quỹ – loại tài sản sẽ được quỹ mua lại vào cuối kỳ hạn.
Các công ty tài chính: Chuyên cung cấp dịch vụ tài chính và bảo hiểm cho các cá nhân và tổ chức.
Các quỹ đầu tư địa phương: Được thành lập bởi các tổ chức chính phủ hoặc địa phương.
Bài học từ cú sập của Lehman Brothers
Theo Investopedia, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007–08, lĩnh vực ngân hàng ngầm đã mở rộng, đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tín dụng mà các ngân hàng truyền thống không đáp ứng được.
Sự gia tăng này đi kèm với mức độ giám sát cao hơn từ các cơ quan quản lý, do hậu quả từ cuộc khủng hoảng tài chính. Nhưng bất chấp sự giám sát ngày càng tăng, lĩnh vực này vẫn tiếp tục mở rộng đáng kể.
Lehman Brothers là một trong những trường hợp kinh điển đã ‘đổ gục’ vì Shadow banking. Từng là nhà băng hàng đầu nước Mỹ, Lehman Brothers bắt đầu có các dấu hiệu sụp đổ từ giai đoạn 2003 – 2004.
Theo đó, Lehman Brothers đã tiến hành mua lại 5 công ty cho vay thế chấp cùng với BNC Mortgage và Aurora Loan Services.
Từ đây, Lehman Brothers cung cấp các khoản vay Alt-A cho người đi vay mà không cần giấy tờ đầy đủ rồi biến chúng thành giấy nợ có tài sản đảm bảo (CDO).
Cùng với việc mua bán các khoản nợ bất động sản (MBS), Lehman Brothers đã gộp CDO và MBS vào chung thành những gói trái phiếu để bán cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, khi bong bóng bất động sản tại Mỹ trở nên quá lớn, các khoản nợ thế chấp không đủ tiêu chuẩn bắt đầu tăng cao, khiến giá trị của CDO giảm mạnh.
20 tỷ USD tài sản của ngân hàng này “không cánh mà bay”, kết hợp thêm việc quỹ đầu tư Bear Stearns – quỹ đầu cơ dưới quyền của Lehman Brothers thất bại khiến ngân hàng này rơi vào khủng hoảng tín dụng.
Hệ quả, Lehman Brothers vỡ nợ và tuyên bố phá sản vào ngày 15/09/2008. Sự sụp đổ của Lehman Brothers đã làm chao đảo các thị trường tài chính toàn cầu trong và được xem là Shadow banking nổi tiếng tác động không nhỏ đến cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.
Đừng quên theo dõi Cẩm nang đầu tư trên DFF.VN để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé!