Lê Minh Thứ Tư, 19/3/2025, 16:19 (GMT+7)
Người theo dõi

Sếp VPS: 1.300 điểm là ‘hỗ trợ mới’, VN-Index sẽ chinh phục 1.400 điểm trong năm nay!

Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS (VPS) - cho biết như vậy tại hội thảo 'Cơ hội đầu tư trong bối cảnh mới', diễn ra hôm nay (19/3). 

Trước hết, về bối cảnh vĩ mô, năm 2025, tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo suy giảm do thương chiến nhưng riêng Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cao, lên tới 8%. Ngay từ những tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc. 

Ông Khánh cho rằng lạm phát sẽ không phải vấn đề quá lo ngại, tạo dự địa để Chính phủ tập trung mọi nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế. "Tôi cũng kỳ vọng Việt Nam không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi câu chuyện thuế quan bởi Việt Nam là đối tác thương mại với Mỹ và có nhiều điều khoản để đàm phán", ông nói.

  Ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phân tích VPS

VN-Index sẽ chinh phục mốc 1.400 điểm trong năm 2025?

Vị giám đốc phân tích VPS cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có khả năng tiến xa hơn trong năm nay, không chỉ dừng lại ở mức tăng 12,2% của năm 2024 và 12,7% năm 2023. 

Mặt khác, nhà đầu tư cá nhân cũng đang ồ ạt gia nhập TTCK Việt Nam. Ông Khánh dự báo số lượng tài khoản mở mới sẽ không dừng lại ở mức 9,4 triệu tài khoản, mà có thể tăng lên 15-20 triệu tài khoản trong tương lai. 

“Xu hướng tăng của TTCK cũng thể hiện trong vốn hóa, thanh khoản gia tăng và sau đó là câu chuyện ‘hàng hóa’ nào sẽ lên niêm yết. Chúng ta đang chờ đợi nhiều tổng công ty, doanh nghiệp lớn sẽ IPO, lên sàn chứng khoán thời gian tới”, sếp VPS cho hay.

Xu hướng tích cực của TTCK còn được thể hiện qua các chỉ số đại diện. “Nếu chỉ số đã lên một tầng mới nghĩa là nhà đầu tư đã chấp nhận mặt bằng giá cổ phiếu mới tăng cao hơn”, ông Khánh nói.

Vị này lý giải: “Trong khoảng hơn 3 năm trở lại đây, VN-Index lần đầu tiên vượt qua mốc 1.300 điểm. Đối với cổ phiếu riêng lẻ hoặc thị trường chung, việc vượt đỉnh nghĩa là dòng tiền đã tham gia tích cực hơn, giải ngân mạnh hơn nên chỉ số sẽ không chỉ dừng ở 1.300 điểm mà ngưỡng này không còn là ngưỡng kháng cự nữa mà trở thành ngưỡng hỗ trợ mới”.

“Trong năm nay, VPS đánh giá VN-Index sẽ lên ít nhất 1.400 điểm và giao động xung quanh 1.440 – 1.450 điểm”, ông Khánh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Giám đốc phân tích VPS cũng lưu ý việc VN-Index sẽ có giai đoạn tích luỹ từ 1-2 tuần (sau 8 tuần tăng liên tiếp vừa qua) trước khi leo lên đỉnh cao mới.

VN-Index thẳng tiến 1.400 điểm, đầu tư nhóm ngành nào?

Đại diện VPS cho biết ưu tiên cao nhóm ngành tài chính, chứng khoán trong năm 2025, bởi các nhóm ngành này mang tính dẫn sóng khi vĩ mô vào chu kỳ tăng trưởng. Năm ngoái, nhóm phân tích ưu tiên nhóm công nghệ viễn thông, sau đó đến hóa chất, sau đó mới đến nhóm ngành khác (xây dựng, xây lắp, dầu khí, vật liệu).

Nhóm chứng khoán được kỳ vọng sẽ có sức bật mạnh hơn cả, đặc biệt là nhóm có khách hàng tổ chức, kinh doanh nguồn tốt, đáp ứng tiêu chí đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, như: HCM, VCI.

Đối với nhóm ngành ngân hàng, Giám đốc phân tích VPS gợi ý nhà đầu tư lựa chọn các bank có tăng trưởng về NIM, biên lợi nhuận trước trích lập tốt, kiểm soát nợ xấu thấp. 

Đối với nhóm xây dựng – vật liệu xây dựng, ông khuyến nghị các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng hạ tầng, dân dụng, vật liệu, hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công, kể như: VGC, HPG.

Trong khi đó, nhóm bất động sản khu công nghiệp được đánh giá cao câu chuyện thu hút FDI, chuyển dịch sản xuất, trong đó bao gồm: KBC, GVR…

Nhóm cảng biển như GMD, PHP, VSC… cũng được ông Khánh đánh giá cao, với lợi thế hoạt động xuất nhập khẩu, hàng hóa, căn cứ cảng. Còn nhóm bán lẻ cũng triển vọng nhưng phù hợp khẩu vị của nhà đầu tư tổ chức hơn. 

“Nhóm cổ phiếu công nghệ cũng đáng quan sát. Nhóm này đã tăng nóng năm trước và đang vào giai đoạn điều chỉnh, sau giai đoạn này có tiềm năng tăng giá”, ông Khánh cho hay.

Huy động nguồn lực tư nhân làm sàn tiền số

TS Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam cần sớm quản lý tiền kỹ thuật số (crypto), khi có khoảng 21 triệu nhà đầu tư đang tham gia thị trường này - tương đương khoảng 20% dân số cả nước. 

Ông phân loại thị trường này theo hai cách ‘tiếp cận’, gồm: đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) và loại khác là do tư nhân phát hành (như: Bitcoin, Etherum,...). 

Bên cạnh đó, các sàn giao dịch tiền số hiện nay đều do tư nhân lập ra. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải quản lý các sàn này, xây dựng khuôn khổ pháp lý, đưa ra bộ tiêu chí cụ thể. 

“Nếu các sàn tư nhân đáp ứng được điều kiện do Nhà nước đề ra, họ sẽ được đăng ký cấp phép, thành lập sàn giao dịch tiền số tại Việt Nam”, ông Lực đề xuất, cho rằng đó là cách huy động lực lượng tư nhân vào phát  triển kinh tế xã hội. 

Ông cho rằng cơ quan quản lý cần tránh "ôm" việc xây dựng sàn giao dịch tiền số. Bởi, theo vị chuyên gia này, các sàn giao dịch tư nhân đã có sẵn nền tảng, công nghệ, con người và nhà đầu tư. Đây là cách tiếp cận tương đối khác so với việc Bộ Tài chính được giao vận hành sàn giao dịch./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên