
CEO Techcombank Jens Lottner
"Chúng tôi rất rõ ràng trong tiêu chí lựa chọn: Nếu chỉ mang lại vốn thì chưa đủ, vì Techcombank đang có nền tảng vốn rất mạnh", CEO Jens Lottner nói tại buổi họp báo hậu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 (AGM 2025) của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã CK: TCB).
Trước đó, trả lời phỏng vấn Bloomberg vào tháng 11/2024, vị CEO này cho biết Techcombank đang cân nhắc bán 15% vốn cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Mục tiêu được khoanh vùng rất rõ, là "một nhà đầu tư chiến lược có năng lực công nghệ và có khả năng tiếp cận các hành lang thương mại như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc".
Tại buổi họp báo hậu AGM 2025, sếp Techcombank thừa nhận ngân hàng luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư chiến lược nhưng “không coi đây là yêu cầu bắt buộc”.
Ông cho biết, một số cổ đông lớn, đặc biệt là các quỹ đầu tư tư nhân (private equity), theo chu kỳ đầu tư thông thường sẽ cần thoái vốn trong 12-18 tháng tới. Vấn đề là lượng cổ phần này sẽ được chuyển giao cho một hay nhiều đối tác, và quyết định thuộc về cổ đông, không phải ban điều hành.
"Chúng tôi coi trọng sự ổn định cổ đông và quản lý quá trình chuyển nhượng sao cho hài hòa, vừa bảo vệ lợi ích cổ đông hiện hữu, vừa chào đón những cổ đông mới có giá trị bổ sung", CEO Jens Lottner bộc bạch. “Cổ đông quốc tế đặc biệt quan tâm đến cổ phiếu của Techcombank, cung như làm thế nào để giúp nhà đầu tư private equity như Warburg Pincus có thể rút ra mà vẫn đạt được lợi ích của họ và cả nhà đầu tư mới”, ông nói.
Trong quá khứ, Techcombank từng có một cổ đông chiến lược tầm cỡ là HSBC, định chế gắn bó với họ từ trước cả thời nhà băng này về tay nhóm ông Hồ Hùng Anh. Tuy nhiên, HSBC đã triệt thoái vốn vào tháng 9/2017, trước thềm Techcombank tiến hành IPO.
Sau đó chưa đầy 1 năm, tháng 3/2018, Techcombank công bố khoản đầu tư 370 triệu USD (khoảng 8.400 tỷ đồng) từ 2 pháp nhân độc lập được quản lý bởi công ty quản lý quỹ đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân (private equity) Warburg Pincus.
Cập nhật gần nhất - tháng 7/2024, COG Investment I B.V và Vesta VN Investments B.V, cùng người có liên quan đến hai tổ chức này, nắm ngót 15% vốn Techcombank.

Danh sách các cổ đông ngoại nắm trên 1% vốn Techcombank tại ngày 17/7/2024 (Nguồn: Techcombank)
Theo CEO Jens Lottner, Techcombank chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào liên quan đến việc bán cổ phần, dù các cuộc thảo luận với đối tác tiềm năng vẫn đang diễn ra. Một số nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm đến việc nắm giữ tỷ lệ lớn cổ phần tại ngân hàng.
"Chúng tôi rất rõ ràng trong tiêu chí lựa chọn: Nếu chỉ mang lại vốn thì chưa đủ, vì Techcombank đang có nền tảng vốn rất mạnh", vị CEO nói.
Theo ông, ngân hàng tìm kiếm những đối tác có thể “đem lại lợi ích về chiến lược”, tạo thêm giá trị trong khai thác khách hàng, công nghệ hoặc chuyên môn bổ sung. Tuy vậy, thực tế, số lượng tổ chức tài chính toàn cầu có thể đáp ứng được các yêu cầu này là không nhiều.
Cuộc hôn phối VPBank và SMBC được xem là “benchmark” mới, cả về mức định giá và tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược, cho làng bank Việt. Bởi, ngoài tiền tươi bơm thẳng qua vốn cổ phần, SMBC cũng đang hỗ trợ đắc lực giúp VPBank tiếp cận tệp khách hàng FDI khổng lồ của định chế tài chính tầm cỡ này.
Khao khát tìm được một cổ đông chiến lược hỗ trợ về mọi mặt luôn thường trực ở nhiều bank. Như một tờ báo dẫn lời Chủ tịch TCB Hồ Hùng Anh tại AGM 2024: “Techcombank đang tìm kiếm cơ hội một nhà đầu tư như VPBank”.
Nếu xem chỉ tiêu “room” tín dụng hàng năm như chỉ tiêu tăng trưởng, hiếm có ngành nghề nào vừa sắm vai trụ cột lại có miếng bánh nở thêm đều đặn 13-14% mỗi năm - bất chấp các biến động vĩ mô - như ngành ngân hàng tại Việt Nam. Mà các bank càng tăng trưởng, “room” ngoại - vốn được xem là tài nguyên quý giá của các ngân hàng Việt - càng trở nên có giá./.
Nội dung liên quan
- AGM 2025 TCB: Chốt mục tiêu lãi 31.500 tỷ đồng, sẵn sàng tham gia platform blockchain và tiền số, kiên định mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD, IPO TCBS trong năm 2025!
- “Soái” Hồ Hùng Anh nói về mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD của Techcombank: Khi thời điểm đến, giá trị TCB sẽ bùng nổ
- IPO TCBS: Đang chờ 'thời cơ' nhưng sớm thôi!