Nội dung đề cử ông Đặng Ngọc Khánh vào Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021 – 2026 được đề cập trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (AGM 2024) của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG).
Sinh năm 1973, ông Khánh tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế - Đại học Ngoại thương. Ông được giới thiệu là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Vĩnh Phát, Tổng giám đốc CTCP MSH Holdings và Chủ tịch HĐQT Megan Holdings. Đây đều là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Theo giới thiệu trên website chính danh của Megan Holdings, ông Đặng Ngọc Khánh có hơn 20 năm kinh nghiệm các lĩnh vực tư vấn tài chính, chứng khoán, bất động sản và kinh doanh thương mại.
Được đánh giá là tập đoàn kinh tế có nền tảng tài chính vững chắc bậc nhất cả nước, thời gian qua, Hoà Phát đã tích cực tìm kiếm quỹ đất và đẩy mạnh đầu tư sang lĩnh vực bất động sản, nhằm tối ưu hoá nguồn tiền khổng lồ và đều đặn thu về từ hoạt động sản xuất và kinh doanh thép - lên tới cả tỷ USD lợi nhuận ròng mỗi năm.
Không chỉ tìm mua dự án và những quỹ đất sẵn có, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cũng sẵn sàng làm từ gốc, khi liên tục tìm về các địa phương để khảo sát, tìm đất, xin quy hoạch, xin chủ trương.
Cuối năm 2021, Hòa Phát ‘bắt tay’ cùng KDI Holdings vào Khánh Hòa trình bày ý tưởng, đề xuất nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch loạt dự án trên địa bàn TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa với tổng diện tích 2.800 ha.
Tại Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long từng bày tỏ mong muốn được tỉnh này hỗ trợ tìm kiếm một vị trí phù hợp để đầu tư khu đô thị hiện đại, có quy mô, trở thành một khu đô thị "đáng sống".
Tại Quảng Ngãi, Hòa Phát được chấp thuận chuyển đổi toàn bộ 600 ha đất thuộc quy hoạch khu đô thị Dốc Sỏi và khu đô thị - công nghiệp Dung Quất (trừ giai đoạn 1A) và 175 ha tại điểm kết nối đường Trì Bình - Dung Quất, đường cao tốc sang đất đô thị, thương mại, dịch vụ.
Ngoài ra, Hòa Phát còn tìm đến Cần Thơ với đề xuất đầu tư dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ cao cấp tại quận Bình Thủy có quy mô khoảng 452 ha; khu đô thị 88,2 ha tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng; và khu đô thị 6,24 ha tại đường Lê Lợi và đường Trần Văn Khéo thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Hòa Phát cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương đề nghị chấp thuận thực hiện dự án sân golf quốc tế và đô thị sinh thái có quy mô khoảng 385 ha thuộc các xã Đức Xương, Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc) và Hồng Đức (huyện Ninh Giang).
Đáng chú ý, tháng 3/2024 vừa qua, Hòa Phát đã ký kiên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư 3 dự án tại Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng, trong đó có dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm với vốn đầu tư dự kiến 13.300 tỷ đồng.
Hiện nay, bất động sản là một trong 5 mảng kinh doanh chính của Hòa Phát, tập trung phát triển cả bất động sản khu công nghiệp, nhà ở và khu đô thị.
Tính đến cuối năm 2023, Hòa Phát có 5 công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, với tổng quy mô vốn điều lệ lên đến 12.025 tỷ đồng, bao gồm: CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát (6.000 tỷ đồng), CTCP Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát (4.800 tỷ đồng), CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát Sài Gòn (500 tỷ đồng), CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát Hà Nội (550 tỷ đồng) và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thành phố mới (175 tỷ đồng).
Tại AGM 2024 tới đây, ngoài ông Đặng Ngọc Khánh, còn một ứng viên được đề cử vào HĐQT Hòa Phát là ông Chu Quang Vũ (SN 1963). Ông Vũ đã có hơn 20 năm công tác tại Hòa Phát trước khi nghỉ chờ chế độ hưu trí từ tháng 3/2021./.