Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

SEC là gì? SEC có giống UBCKNN không? Vai trò và chức năng của SEC trên thị trường tài chính Mỹ

22:03 26/10/2024

SEC là viết tắt của Securities and Exchange Commission (Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa Kỳ) và được xem như "người gác cổng" cho thị trường chứng khoán Mỹ. Vậy SEC có giống Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tại Việt Nam? Hãy cùng DFF.VN tìm hiểu về SEC qua bài viết dưới đây nhé!

SEC là gì?

SEC là viết tắt của Securities and Exchange Commission (Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa Kỳ). Cơ quan này được thành lập vào năm 1934, sau cuộc đại khủng hoảng năm 1929, nhằm giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường tài chính Mỹ. 

SEC có vai trò gì?

Về cơ bản, SEC là một cơ quan độc lập, chịu trách nhiệm bảo vệ các nhà đầu tư và duy trì công bằng, trật tự trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Theo đó, SEC giám sát các tổ chức và cá nhân trên thị trường chứng khoán, bao gồm các sàn giao dịch chứng khoán, công ty môi giới, đại lý, cố vấn đầu tư đã đăng ký và quỹ đầu tư.

Thông qua các quy tắc và quy định về chứng khoán đã được thiết lập, cơ quan này thúc đẩy việc trình bày và chia sẻ thông tin liên quan đến thị trường, giao dịch công bằng và bảo vệ chống gian lận.

SEC cung cấp cho các nhà đầu tư quyền truy cập vào các báo cáo đăng ký (registration statements), báo cáo tài chính định kỳ (periodic financial reports) và các biểu mẫu chứng khoán khác (securities forms) thông qua cơ sở dữ liệu thu thập, phân tích và truy xuất dữ liệu điện tử, còn được gọi là EDGAR (Electronic Data Gathering Analysis and Retrieval).

Nhiệm vụ của SEC là gì?

SEC có 3 nhiệm vụ chính, gồm:

1. Bảo vệ nhà đầu tư

Nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của SEC là bảo vệ nhà đầu tư khỏi những hành vi gian lận. Từ đó, SEC đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt về việc công bố thông tin, yêu cầu công ty niêm yết cung cấp thông tin tài chính chi tiết và minh bạch để các nhà đầu tư có thể đánh giá chính xác giá trị cổ phiếu.

2. Duy trì thị trường công bằng, có trật tự và hiệu quả: 

Thị trường tài chính Mỹ là một trong những thị trường năng động và có tính thanh khoản cao, do đó, SEC cần duy trì thị trường có trật tự và hiệu quả bằng các quy tắc, quy định, công cụ và hoạt động giám sát khi cần thiết.

Tổ chức này giám sát hơn 100.000 giao dịch trên thị trường hàng năm để duy trì tính minh bạch và công bằng. Điều này giúp giảm thiểu gian lận và tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Mỹ.

3. Thúc đẩy huy động vốn

SEC đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy các công ty huy động vốn bằng cách tạo môi trường tài chính lành mạnh và khuyến khích sự đổi mới. Điều này giúp tạo ra nguồn vốn dồi dào cho các doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cấu trúc tổ chức của SEC, vai trò của từng phòng ban

SEC có một cơ cấu cấu trúc tổ chức chặt chẽ với các bộ phận và phòng ban có chuyên môn cao. Đứng đầu là Chủ tịch SEC, cùng với các 4 ủy viên, được bổ nhiệm bởi Tổng thống và được công nhận bởi Thượng viện Mỹ.

Các ủy viên có nhiệm kỳ 5 năm, nhưng có thể phục vụ thêm 18 tháng cho đến khi tìm được người thay thế. 

SEC được tổ chức thành 6 bộ phận chính, với mỗi bộ phận chịu trách nhiệm quản lý và giám sát một khía cạnh quan trọng của thị trường tài chính, gồm:

1. Bộ phận Tài chính Doanh nghiệp (Division of Corporation Finance)

Bộ phận này đảm bảo rằng các nhà đầu tư được cung cấp thông tin cần thiết để đưa ra quyết định đầu tư như: các tài liệu như báo cáo hàng năm (Form 10-K), báo cáo quý (Form 10-Q),...

Đồng thời, bộ phận này cung cấp hỗ trợ giải thích cho các công ty về các quy tắc và biểu mẫu của SEC và đưa ra khuyến nghị cho Ủy ban về các quy tắc mới và sửa đổi các quy tắc hiện hành.

2. Bộ phận Giao dịch và Thị trường (Division of Trading and Markets)

Bộ phận này quản lý những người tham gia chính trên thị trường chứng khoán, bao gồm các công ty môi giới chứng khoán, các tổ chức tự quản lý (như sàn giao dịch chứng khoán, cơ quan quản lý ngành tài chính (FINRA) và các cơ quan thanh toán bù trừ), các công ty hoán đổi chứng khoán và các đại lý chuyển nhượng.

3. Bộ phận Quản lý Đầu tư (Division of Investment Management)

Bộ phận Quản lý Đầu tư xây dựng chính sách quản lý cho các cố vấn đầu tư và công ty đầu tư, bao gồm: quỹ tương hỗ, quỹ giao dịch trên sàn và các quỹ và sản phẩm khác trong ngành quản lý tài sản.

4. Bộ phận Phân tích Kinh tế và Rủi ro (Division of Economic and Risk Analysis)

Bộ phận này hỗ trợ Ủy ban trong nỗ lực xác định và ứng phó với các vấn đề kinh tế và thị trường, bao gồm các vấn đề liên quan đến sản phẩm tài chính mới, chiến lược đầu tư và giao dịch, rủi ro hệ thống và gian lận.

5. Bộ phận Thực thi Pháp luật (Division of Enforcement)

Bộ phận này điều tra và xử lý các vi phạm luật chứng khoán, bao gồm các vụ gian lận tài chính, thao túng thị trường, và giao dịch nội gián. Thông qua các cuộc điều tra và thực thi pháp luật, bộ phận này đảm bảo thị trường chứng khoán duy trì tính minh bạch và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư. Bộ phận này cũng phối hợp với các cơ quan pháp luật khác để xử lý những vụ việc tài chính phức tạp.

6. Bộ phận Kiểm tra (Division of Examinations)

Bộ phận này xác định các công ty niêm yết có tiến hành hoạt động theo luật và các quy tắc được ban hành hay không, bằng cách liên tục thu thập và phân tích nhiều loại dữ liệu nhờ các kỹ thuật định lượng.

Tại Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có vai trò tương tự SEC với thẩm quyền và trách nhiệm được quy định cụ thể tại các văn bản pháp lý liên quan.

Đừng quên theo dõi Cẩm nang đầu tư trên DFF.VN để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé!