Sẽ có phương án chuyển giao 2 ngân hàng yếu kém trước Tết
Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngành ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 chiều 7/1, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đến nay, Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) đã hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc.
Đối với 2 ngân hàng đang trong diện kiểm soát đặc biệt còn lại là Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (Dong A Bank), NHNN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp xử lý trong thời gian tới.
"Hiện NHNN đang trình phương án tái cơ cấu GPBank và DongABank lên Chính phủ, kỳ vọng hoàn tất kế hoạch chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém trước Tết Nguyên đán", Phó thống đốc chia sẻ.
Ngoài 4 ngân hàng trên, cuối tháng 10/2022, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cũng được NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Đối với nhà băng này, Phó thống đốc cho biết NHNN đang áp dụng các biện pháp nhằm duy trì hoạt động ổn định của SCB, bảo đảm an toàn tiền gửi của khách hàng, đồng thời xử lý các tồn tại, yếu kém và vi phạm theo đúng quy định pháp luật. Cùng với đó, NHNN đang xây dựng phương án tái cơ cấu tích cực để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Trong số 2 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt còn lại, GPBank là nhà băng được NHNN mua lại với giá 0 đồng vào năm 2015, còn DongABank thuộc diện kiểm soát đặc biệt.
Dù NHNN chưa công bố cụ thể ngân hàng nào sẽ tiếp nhận hai tổ chức tín dụng này, hiện có hai ngân hàng thương mại là VPBank và HDBank đã xin ý kiến cổ đông thông qua chủ trương nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém.
Tại phiên họp cổ đông hồi tháng 4 năm ngoái, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank nhấn mạnh việc NHNN lựa chọn HDBank tham gia tái cơ cấu một ngân hàng khác thể hiện năng lực tài chính, quản trị và sự sẵn sàng hỗ trợ các chương trình tái cơ cấu của ngành.
Bà Thảo cho rằng đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để HDBank mở rộng mạng lưới, nâng cao nghiệp vụ và tăng cường năng lực M&A, qua đó đạt được các mục tiêu phát triển hiệu quả, bền vững.
Phía VPBank cũng từng khẳng định đã chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực để tiếp nhận một ngân hàng yếu kém và bắt tay vào tái cơ cấu ngay khi được chuyển giao.
Hồi giữa tháng 10/2024, hai ngân hàng thuộc nhóm kiểm soát đặc biệt là CBBank và OceanBank đã lần lượt được chuyển giao bắt buộc về hai ngân hàng thương mại là Vietcombank và MB.
Mới đây, MB đã đổi tên OceanBank thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam hiện đại (gọi tắt là MBV) đồng thời đưa loạt lãnh đạo cấp cao sang điều hành ngân hàng này./.
Nguồn: Znews