Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Sắp xếp bộ máy: UBND tỉnh không quá 14 sở, Hà Nội và TP.HCM không quá 15 sở

15:00 19/12/2024

Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Chính phủ yêu cầu đảm bảo tổng số sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 sở; Hà Nội và TP.HCM không quá 15 sở.

Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Chính phủ yêu cầu đảm bảo tổng số sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 sở; Hà Nội và TP.HCM không quá 15 sở.

Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) có Công văn số 24 gửi các Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương về định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo yêu cầu đảm bảo tổng số sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 sở. Riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 15 sở.

Trụ sở HĐND - UBND TP Hà Nội (Ảnh: VTC News)

Duy trì 3 sở, sắp xếp bộ máy bên trong

Theo định hướng của Ban Chỉ đạo, với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh duy trì 3 sở gồm: Sở Tư pháp; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa và Thể thao đối với các địa phương duy trì Sở Du lịch); Thanh tra tỉnh; Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Hợp nhất Sở Kế hoạch và đầu tư với Sở Tài chính, dự kiến thành Sở Kinh tế - Tài chính, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở.

Hợp nhất Sở Giao thông Vận tải với Sở Xây dựng, dự kiến thành Sở Xây dựng và Giao thông, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở.

Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến thành Sở Nông nghiệp và Môi trường, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở.

Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ, dự kiến thành Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông, tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ của 2 sở.

Hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ, dự kiến thành Sở Nội vụ và Lao động. Sở mới sẽ thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước về lĩnh vực nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo còn định hướng, gợi ý sắp xếp, chuyển nhiệm vụ với 3 sở khác tương ứng với sắp xếp các Bộ ở Trung ương.

Cụ thể, Sở Y tế tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu về bảo trợ xã hội, trẻ em và phòng chống tệ nạn xã hội; quản lý sử dụng quỹ bảo trợ trẻ em từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang. Sở Y tế cũng tiếp nhận theo dõi, quản lý sức khỏe cán bộ của tỉnh (sau khi kết thúc hoạt động Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe tỉnh).

Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang.

Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.

Sắp xếp với các đơn vị đặc thù

Ban Chỉ đạo cũng định hướng sắp xếp một số sở đặc thù của TP.HCM, TP Hà Nội và một số địa phương như Sở Ngoại vụ, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Ban Dân tộc, Sở Du lịch, Sở An toàn thực phẩm.

Theo đó, Sở Ngoại vụ sẽ sáp nhập vào Văn phòng UBND tỉnh hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của Sở này, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Một số địa phương có Sở Quy hoạch và Kiến trúc sẽ thực hiện sáp nhập Sở này vào Sở Xây dựng và Giao thông. Trường hợp có yêu cầu đặc thù về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn như Hà Nội và TP.HCM có thể xem xét, quyết định việc duy trì Sở Giao thông vận tải và thực hiện phương án sáp nhập Sở Quy hoạch và Kiến trúc vào Sở Xây dựng, bảo đảm phù hợp với tình hình, đặc điểm tại Hà Nội và TP.HCM.

Đối với các địa phương đang có Ban Dân tộc sẽ thực hiện sắp xếp tương đồng với Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo (ở Trung ương) theo hướng đổi tên thành Ban Dân tộc - Tôn giáo; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ; nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đối với các địa phương không thành lập Ban Dân tộc (kể cả trường hợp đáp ứng đủ tiêu chí) thì chủ động quyết định chuyển chức năng tham mưu về công tác dân tộc từ Văn phòng UBND cấp tỉnh về Sở Nội vụ - Lao động (sau hợp nhất) để thống nhất đầu mối tham mưu quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo.

Đối với các địa phương đang có Sở Du lịch thì căn cứ tình hình, đặc điểm của địa phương chủ động quyết định phương án hợp nhất với Sở Văn hóa, Thể thao thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc duy trì thì củng cố, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bên trong của Sở này, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Riêng với Sở An toàn thực phẩm, trường hợp không duy trì thì chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm về Sở Y tế; các nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm chuyên ngành về các Sở gồm Y tế; Công Thương; Nông nghiệp và Môi trường.

Tại cấp huyện, Ban Chỉ đạo định hướng, gợi ý cơ cấu, sắp xếp, tổ chức lại các phòng chuyên môn tương đồng với sắp xếp các Bộ ở Trung ương và Sở, ngành ở cấp tỉnh.

Các địa phương hoàn thành việc sắp xếp trước 20/2/2025

Ban Chỉ đạo đề nghị các ấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị của địa phương xây dựng Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương và định hướng, gợi ý của Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Đồng thời cần chuẩn bị kỹ lưỡng phương án nhân sự, chế độ chính sách, trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị, con dấu và các điều kiện bảo đảm khác để thực hiện được ngay sau khi Trung ương, Quốc hội thông qua (dự kiến Trung ương, Quốc hội sẽ họp trong tháng 2/2025).

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; tham mưu, trình UBND cấp tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn UBND cấp huyện về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

"Các địa phương hoàn thành việc sắp xếp, tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, bảo đảm đồng bộ với việc hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức của Chính phủ (dự kiến hoàn thành trước 20/2/2025 và báo cáo kết quả về Bộ Nội vụ trước ngày 28/2/2025)", công văn nêu rõ.

Từ nay đến khi triển khai việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Bộ Nội vụ sẽ căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo của Chính phủ để tiếp tục hướng dẫn, bảo đảm việc sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước được đồng bộ, thống nhất và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới./.

Nguồn: VTC News