Sáp nhập Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Dự kiến cắt giảm 22 đầu mối
09:53 12/12/2024
Dự kiến, sau khi sáp nhập Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư - tạm gọi là Bộ Kinh tế, Tài chính, số đầu mối được sắp xếp từ hợp nhất hai bộ giảm còn 34, và thêm 1 đầu mối là đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Thông tin này được cho biết tại cuộc họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì chiều 11/12.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tổng số đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trước khi sắp xếp là 56 đầu mối (mỗi bộ 28 đầu mối), gồm 47 đầu mối hành chính (6 tổng cục, 14 cục, 27 vụ, văn phòng, thanh tra), 9 đơn vị sự nghiệp công lập.
Sau khi sắp xếp lại hai bộ thành Bộ Kinh tế, Tài chính sẽ có 35 đầu mối, trong đó có 34 đầu mối được sắp xếp từ hợp nhất hai bộ (17 cục, 13 vụ, văn phòng, thanh tra, 4 đơn vị sự nghiệp công lập) và thêm 1 đầu mối là đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào. Theo đó, giảm tổng số 22/56 đầu mối.
Như vậy, bộ máy được tinh gọn đi 22/56 đầu mối (giảm 39,3%), cắt giảm 6/6 tổng cục (100%), giảm 11/44 vụ, cục, văn phòng, thanh tra, và giảm 5/9 đơn vị sự nghiệp thuộc bộ (55,56%).
Về việc chuyển giao nhân sự từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về Bộ Kinh tế, Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ sẽ rà soát cụ thể đối với từng trường hợp gắn với nhiệm vụ được giao, phù hợp với vị trí việc làm và tình hình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Bộ Tài chính cũng thống nhất với chủ trương sáp nhập và tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam thành một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Kinh tế, Tài chính, chấm dứt mô hình Bảo hiểm xã hội Việt Nam thuộc Chính phủ như hiện nay.
Đơn vị này có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí bổ sung, quản lý các quỹ này đảm bảo thông suốt, có tính chất liên kết toàn hệ thống.
Về tên gọi của bộ mới sau khi hợp nhất, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc gợi mở, cần nghiên cứu cho phù hợp với thông lệ quốc tế và vai trò đảm nhiệm định hướng tham mưu về mặt kinh tế vĩ mô.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, sắp xếp, tinh gọn bộ máy đặt ra yêu cầu hết sức quyết liệt, nhanh gọn, nhưng phải đảm bảo hoạt động bình thường của bộ máy, phải hoàn thành trong tháng 12/2024 và đi vào hoạt động ổn định trước 25/2/2025.
Tháng 2/2025, Quốc hội sẽ họp cho ý kiến liên quan đến các quy định về bộ máy, để bộ máy mới đi hoạt động đúng theo quy định của pháp luật./.
Nội dung liên quan
- Tổng Bí thư: Tinh gọn bộ máy rất khó, nhưng 'phải nhẹ đi mới bay được cao'
- Tinh gọn bộ máy Chính phủ: Chi tiết văn bản mới nhất từ Ban chỉ đạo
- Trung ương, Quốc hội dự kiến họp bất thường về tinh gọn bộ máy vào tháng 2/2025
- Tên gọi dự kiến của các bộ sau khi sắp xếp, hợp nhất
- Thủ tướng: Sắp xếp tinh gọn bộ máy cần làm tốt công tác tư tưởng