Qua nghiên cứu cho thấy, nhóm chất chính trong sâm núi dành là saponin, flavonoid (hoạt chất chống lão hóa) acid hữu cơ, acid amin. Hàm lượng saponin của sâm núi dành tương đương sâm Hàn Quốc, chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh – một trong số những loài sâm quý hiếm và chất lượng nhất thế giới.
Loài sâm quý hồi sinh
Núi Dành có tên chữ là Chung Sơn – núi Chuông, vì nhìn từ xa núi dành như một quả chuông nằm nghiêng. Tương truyền vào thời Nguyễn, mẹ vua Tự Đức bị lòa, có vị lương y dâng cho bà vị thuốc chế từ sâm núi Dành, sau đó bà khỏi bệnh, mắt sáng trở lại. Từ đó sâm núi Dành trở thành sản phẩm tiến Vua hàng năm.
Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 19 về tỉnh Bắc Ninh (Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay), trang 91 viết: Núi Chung Sơn ở xã Bảo Lộc, thuộc địa giới huyện Yên Thế, sản xuất sâm nam và cỏ thi (xã Bảo Lộc chính là xã Việt Lập ngày nay). Trang 173 lại viết: Sâm nam ở đỉnh núi Chung Sơn, huyện Yên Thế, da vàng, thịt chắc, khí vị đều tốt không như sâm sản xuất ở nơi khác, da trắng và nhiều nhớt. Theo dân gian, sâm núi dành có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh thông thường.
Sâm núi Dành thuộc dạng dây leo, dễ khai thác, lại là loài quý hiếm, chính vì vậy hơn 40 năm (từ những năm 1970 đến 2010) sâm núi Dành gần như bị tuyệt diệt. Năm 2010, tại vườn của cụ Thân Văn Thành, thôn Đồng Sen, xã Việt Lập còn sót lại một gốc sâm đã trồng trên 60 năm. Cơ duyên sự tồn tại của gốc sâm này là: Cụ Thành có bà mẹ vợ giỏi nghề thuốc Nam, biết rõ giá trị của cây sâm núi Dành. Ngày đó con cái cụ Thành thường hay bị sài đẹn, mẹ vợ cụ lên núi Dành, tìm được một gốc sâm, rồi trồng tại vườn nhà cụ để làm thuốc, sử dụng cho mọi người trong gia đình...
Câu chuyện đã qua hơn nửa thế kỷ. Gốc sâm ngày ấy giờ đã bò lan ra hơn cả chục mét vuông. Gốc sâm này được cụ Thân Văn Thành truyền lại cho người con út là ông Thân Hải Đăng. Từ gốc sâm ở nhà ông Thân Hải Đăng, năm 2012, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường huyện Tân Yên thực hiện đề tài: "Bảo tồn và nhân giống cây sâm núi Dành". Năm 2015, Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện di truyền nông nghiệp) thực hiện đề tài: "Nghiên cứu đánh giá bảo tồn nguồn gene cây sâm núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang". Cơ sở thực hiện là gốc sâm cổ được trồng tại vườn nhà ông Thân Hải Đăng.
Qua nghiên cứu cho thấy, nhóm chất chính trong sâm núi dành là saponin, flavonoid (hoạt chất chống lão hóa) acid hữu cơ, acid amin. Hàm lượng saponin của sâm núi dành tương đương sâm Hàn Quốc, chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh – loài sâm quý hiếm và chất lượng nhất thế giới.
Vùng sâm núi Dành khởi sắc
Huyện Tân Yên (Bắc Giang) là phần đất phía Nam của huyện Yên Thế sau này được tách ra thành huyện Tân Yên nên còn có tên dân gian gọi là "Yên Thế Hạ". Địa phương này có nhiều đồng bào dân tộc anh em chung sống như Kinh, Tày, Nùng, Hoa… Núi Dành là dãy núi lớn thứ hai của huyện Tân Yên sau núi Đót (xã Phúc Sơn) và chính nơi đây đã sản sinh loài sâm quý.
Đến vùng sâm Liên Chung, tại thôn Lãn Tranh 1 (xã Liên Chung), tôi tìm gặp ông Dương Văn Viên – một lão nông hiền lành, chất phác. Bên chén trà làm từ nguyên liệu hoa sâm núi Dành có hương vị ngọt thơm, dịu mát, là hương vị đặc trưng của sâm, ông Viên cho biết: Loại trà này ông bán buôn giá 1 triệu đồng/kg. Còn bán lẻ cho khách là 1,3 triệu/kg. Đây là giá chung của những người trồng sâm tại Liên Chung bán ra thị trường. Mặt hàng sâm củ tươi, từ nhiều năm nay vẫn bán ra thị trường 2 triệu đồng/kg.
Trong nửa đầu tháng tám âm lịch năm nay, ông Viên đã bán 50 kg sâm củ tươi, thu về 100 triệu đồng. Vườn sâm nhà ông Viên có diện tích 3000 m2, ông Viên còn có nghề ươm sâm giống bằng phương pháp giâm hom. Mỗi năm ông bán ra thị trường hơn một vạn cây giống, giá bán 30 ngàn đồng/cây.
Ông Viên cho biết thêm: sâm núi Dành nếu để tự nhiên thì dây bò như dây khoai lang, nhưng sinh trưởng chậm hơn. Lúc đầu việc nhân giống vì chưa có kinh nghiệm nên rất khó khăn. Mỗi mắt đốt của sâm cách nhau khoảng 20cm. Mắt đốt ấy đem giâm, sau đó rễ mọc ra từ các mắt đốt đó. Khi cây giống ra rễ, lên chồi non là đem trồng, 5 năm sau sẽ được thu hoạch củ. Nay nghề ươm giống đã dễ dàng hơn vì áp dụng phương pháp nuôi cấy mô, việc nhân giống với số lượng lớn với cây sâm núi Dành cũng không còn trở ngại.
Người sản xuất giống sâm núi Dành lớn nhất xã Liên Chung là anh Nguyễn Văn Điện, hàng xóm nhà ông Viên. Anh Điện cho biết: Tháng 9/2022 anh đã xuất mẻ cây giống lớn nhất từ trước tới nay, số lượng là mười vạn cây. Với giá 30 ngàn/cây, đợt xuất cây giống này anh thu về tròn 3 tỷ đồng.
Nhằm phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Yên đã có quy hoạch: " Định hướng phát triển sản xuất cây dược liệu từ năm 2021 đến năm 2030", trong đó có quy hoạch phát triển cây sâm núi Dành tại hai xã Liên Chung và Việt Lập. Kế hoạch năm 2022 huyện Tân Yên sẽ triển khai trồng khoảng 20 ha sâm núi Dành.
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ đưa sản phẩm cây sâm núi Dành vào diện bảo hộ và quản lý quyền sở hữu trí tuệ. Tháng 8/2021, Cục sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 3228/QĐ-SHTT ngày 02/8/2021 cho sản phẩm sâm núi Dành.
Bảo tồn và bảo hộ sản phẩm sâm núi Dành
Để bảo tồn giống sâm quý và phát huy lợi thế chỉ dẫn địa lý, huyện Tân Yên sẽ sớm ban hành và thực hiện tốt quy chế quản lý bảo hộ sản phẩm sâm núi Dành. Chỉ dẫn địa lý là hình thức bảo hộ cao nhất cho sản phẩm đặc thù của địa phương, bao gồm: Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. Hiện tại sâm núi Dành là một trong ba sản phẩm của tỉnh Bắc Giang được cấp bảo hộ này gồm: vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế và sâm núi Dành. Ngoài những dược tính ưu việt sẵn có, chỉ dẫn địa lý sẽ làm tăng thêm thương hiệu của sâm núi Dành, góp phần quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hiện tại, sâm núi Dành đang từng bước trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc sắc tỉnh Bắc Giang (bởi giá trị sản phẩm và giá trị kinh tế). Khi địa phương phát triển đại trà loài sâm, mở rộng mô hình trồng sâm theo chuỗi liên kết, bảo tồn nguồn gene sẽ tạo nhiều cơ hội khởi sắc, phát triển kinh tế đị phương. Đồng thời việc tiếp tục hỗ trợ cho người dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số triển khai Dự án để phát triển sản phẩm sâm núi Dành sẽ mang lại nhiều sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu sâm núi Dành phục vụ nhu cầu và thị hiếu du khách… Trong tương lai, sâm núi Dành sẽ là một trong số những biểu tượng nông nghiệp giá trị cao – là báu vật của vùng đất Bắc Giang.