Gia Khánh Thứ Năm, 14/11/2024, 16:09 (GMT+7)
Người theo dõi

ROS (Return on Sales) là gì? Cách tính và ứng dụng trong đầu tư chứng khoán

Chỉ số ROS được coi là "thước đo" hiệu quả việc quản lý và kiểm soát chi phí của doanh nghiệp. Vậy ROS là gì? Cách tính và ứng dụng trong đầu tư chứng khoán ra sao?

Chỉ số ROS là gì?

Chỉ số lợi nhuận trên doanh thu (Return On Sales - viết tắt: ROS) là một chỉ số tài chính được sử dụng để đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nó thể hiện tỷ lệ lợi nhuận trước thuế mà công ty tạo ra so với doanh thu bán hàng.

Thông thường, ROS tăng sẽ báo hiệu doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh hiệu quả và có mức tăng trưởng ổn định. Ngược lại, khi ROS giảm, nó báo hiệu sự yếu kém trong tài chính của doanh nghiệp.

Cách tính ROS

Công thức tính chỉ số ROS (Return on Sales) được sử dụng để đo lường tỷ lệ lợi nhuận trước thuế mà một công ty đạt được so với doanh thu bán hàng. Công thức chính xác để tính chỉ số ROS như sau:

ROS= (Lợi nhuận sau thuế/ Doanh thu thuần) x 100%

Trong đó: Lợi nhuận sau thuế và Doanh thu thuần là số liệu nằm trên báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Sau khi tính toán, kết quả được nhân với 100 để đưa về dạng phần trăm, để dễ so sánh. Song, cũng cần lưu ý rằng chỉ số ROS cần được so sánh với các công ty cùng ngành và thời gian để có cái nhìn toàn diện về hiệu suất tài chính của một công ty.

Nếu doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ, việc tính toán chỉ số ROS sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Chỉ số ROS là gì? Ứng dụng chỉ số ROS trong đầu tư chứng khoánCác bạn có thể thu thập số liệu về doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế để tính ROS trên báo cáo kết quả kinh doanh. Nguồn: Báo cáo tài chính bán niên năm 2024 của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã CK: VNM) 

Ứng dụng ROS trong đầu tư chứng khoán

ROS là một chỉ số đo lường khả năng sinh lời. Các nhà đầu tư có thể sử dụng tỷ lệ tài chính này để đánh giá hoạt động kinh doanh và tiềm năng tái đầu tư của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp thường sử dụng ROS như một công cụ so sánh để đánh giá hoạt động hàng quý hoặc hàng năm của một công ty hoặc để so sánh các công ty khác nhau, thậm chí trong các ngành khác nhau, đang hoạt động như thế nào trong mối quan hệ với nhau.

Chỉ số ROS có thể được sử dụng để so sánh hiệu suất tài chính giữa các công ty cùng ngành. Nhà đầu tư và những người quan tâm có thể so sánh ROS của các công ty khác nhau để đưa ra quyết định đầu tư hoặc đánh giá sự cạnh tranh trong ngành.

Chỉ số ROS bao nhiêu là tốt?

Chỉ số ROS (Return on Sales) cao hay thấp phụ thuộc vào ngành công nghiệp và tiêu chuẩn trong ngành đó.

ROS thường được chia làm 3 cấp độ:

Cấp độ 1: ROS< 0 (âm)

Như đã nói ở trên, ROS âm có nghĩa là doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh lỗ. Những nhà đầu tư thường gần như bỏ qua doanh nghiệp có con số ROS âm này. Tuy nhiên, cần nhìn rộng hơn ra ROS của doanh nghiệp đó trong những năm trước đó để phòng trường hợp một vài doanh nghiệp có những chiến lược khiến cho ROS âm vào giai đoạn đầu.

Cấp độ 2: 0< ROS< 10%

Với những doanh nghiệp có chỉ số ROS nằm trong khoảng này, các nhà đầu tư sẽ xếp vào danh sách những doanh nghiệp tiềm năng, tức là những công ty hoạt động kinh doanh có lãi nhưng chưa ổn định và cần xem xét kỹ lưỡng trước khi xuống tiền đầu tư.

Cấp độ 3: ROS> 10%

Đây là một doanh nghiệp vững mạnh, trong đà phát triển nhanh và rất đáng đề các nhà đầu tư quan tâm.

Nói tóm lại, một ROS được coi là tốt khi nó trong khoảng lớn hơn 10%. Tuy nhiên mỗi ngành nghề đều có một tính chất khác nhau, từ đó yêu cầu về cấu trúc kinh doanh khác nhau. Vì vậy cần đặt chỉ số ROS vào mức trung bình của riêng ngành đó để có cái nhìn khách quan nhất, chính xác nhất về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi nhà đầu tư đánh giá doanh nghiệp cần kết hợp chỉ số ROS với các chỉ số tài chính khác cũng như thực tế kinh doanh của doanh nghiệp để có cái nhìn toàn diện về hiệu suất của công ty./.

Đừng quên theo dõi Cẩm nang đầu tư trên DFF.VN để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé!

Chia sẻ
Báo cáo
Gia Khánh Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên