Hoàng Giang 2 giờ trước
Người theo dõi

"Quả đấm thép" Dung Quất 3 sẽ sản xuất đường ray cho dự án tàu cao tốc Bắc - Nam 350km/h?

UBND tỉnh Phú Yên vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc xin chủ trương kết nối tuyến đường sắt từ cảng Bãi Gốc với tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam.

Theo đó, tuyến đường sắt có chiều dài khoảng 12km do CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) đề xuất bỏ vốn đầu tư nhằm kết nối nhà máy luyện kim, sản xuất thép tại Khu công nghiệp Hòa Tâm thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên với tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Nhà máy thép của Hòa Phát dự kiến sản xuất các thanh ray cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam có chiều dài phổ biến từ 50-100m, sử dụng đường sắt để vận chuyển.

Theo các chuyên gia, với kích thước siêu trường của các thanh ray dài 100m, việc vận chuyển bằng đường bộ sẽ không khả thi, đặc biệt là khi cần phân phối từ nhà máy hoặc cảng biển đến các công trường dọc tuyến Bắc - Nam.

Được biết, dự án Cảng Bãi Gốc, Khu công nghiệp Hòa Tâm và Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát là 3 dự án của Hòa Phát đã được UBND tỉnh Phú Yên trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào đầu tháng 3/2024 với tổng mức đầu tư lên tới 123.300 tỷ đồng, tương đương khoảng 5 tỷ USD.

Trong đó, dự án Khu liên hợp Gang Thép Hòa Phát có tổng mức đầu tư 86.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,4 tỷ USD. Dự án dự kiến sẽ được triển khai sau năm 2025, sau khi "quả đấm thép" Dung Quất 2 đi vào vận hành.

Quả đấm thép Dung Quất 3 sẽ sản xuất đường ray cho dự án tàu cao tốc Bắc - Nam 350km/h?Ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (Ảnh: V.L)

Trước đó, kế hoạch sản xuất thép đường ray cung cấp cho dự án tàu cao tốc Bắc - Nam đã được tỷ phú Trần Đình Long chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Hòa Phát, diễn ra hồi tháng 4.

Cụ thể, ông Long cho biết khi triển khai dự án Dung Quất 2 giai đoạn 3 hoặc dự án thép tại Phú Yên, tập đoàn sẽ nghiên cứu sản xuất thép đường ray, đáp ứng tiêu chuẩn tàu chạy 800 - 1.000 km/h.

"Khi Chính phủ làm dự án tàu cao tốc Bắc Nam, tập đoàn sẽ tham gia đấu thầu cung cấp thép", ông Long nói.

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp mới đây, tỷ phú Trần Đình Long cũng cho biết tập đoàn đã nghiên cứu dòng sản phẩm thép đường ray từ 2-3 năm nay. "Tôi khẳng định việc sản xuất thép đường ray hoàn toàn nằm trong khả năng của Hòa Phát", ông Long nói.

Theo Chủ tịch Hòa Phát, dây chuyền Khu liên hợp tại Dung Quất của Hòa Phát sử dụng công nghệ tiên tiến nhất từ châu Âu và các nước thuộc nhóm G7, thậm chí còn hiện đại hơn nhiều nhà máy thép tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc sản xuất đường ray có đặc thù riêng. Trước đây, Việt Nam chỉ sản xuất được đường ray dài 20-25m cho đường sắt thông thường, còn đối với đường ray tàu cao tốc 150-200 km/h, chiều dài yêu cầu là 50m. Mới đây, Trung ương đã quyết định đầu tư vào đường sắt tốc độ cao 350 km/h, đồng nghĩa với việc đường ray phải dài 100m.

"Nếu Chính phủ, Thủ tướng giao cho doanh nghiệp làm, thì Hòa Phát có thể làm nhiều loại thép cung cấp cho dự án, không riêng thép đường ray”, ông Long khẳng định./.

Chia sẻ
Báo cáo
Hoàng Giang Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên