Plaza Accord 2.0 là gì? Vì sao team ông Trump muốn dùng hiệp định này để hạ nhiệt đồng USD?
02:25 08/12/2024
Cho rằng đồng USD đang quá mạnh và sẽ gây bất lợi cho mục tiêu đưa sản xuất quay trở lại Mỹ, các cố vấn kinh tế thân cận của ông Trump đang ráo riết lên kế hoạch để hạ nhiệt đồng bạc xanh, trong đó có thể kể đến Plaza Accord 2.0.
Theo ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sử dụng thuế để thúc đẩy một thỏa thuận gọi là "Plaza Accord 2.0" nhằm làm đồng USD mất giá khoảng 20%, bên cạnh việc gây áp lực để Trung Quốc và các quốc gia khác xây nhà máy tại Mỹ.
Chi tiết của chiến lược này được hé lộ trong báo cáo “Hướng dẫn về Cải cách Hệ thống thương mại Toàn cầu” (A User’s Guide to Restructuring the Global Trading System) - được chắp bút bởi ông Stephen Miran.
Ông Miran từng là cố vấn cấp cao về chính sách kinh tế tại Bộ Tài chính Mỹ và được cho là có mối quan hệ gần gũi với Scott Bessent - 'quân sư' kinh tế hàng đầu của ông Trump.
Báo cáo mà ông Miran chắp bút đề xuất sử dụng thuế quan như “sợi dây trói buộc” các đối tác thương mại của Mỹ tham gia vào “Hiệp ước Mar-a-Lago” - được coi như một phiên bản "Plaza Accord 2.0", nhằm làm đồng USD suy yếu.
Plaza Accord 2.0 là gì?
Để hiểu về Plaza Accord 2.0 hay Hiệp định Plaza 2.0, chúng ta cần truy nguyên về sự ra đời của "bản gốc".
Hiệp định Plaza hay “Plaza Accord” hoặc “Plaza Agreement” là một thỏa thuận được ký vào năm 1985 giữa các quốc gia G5 gồm" Pháp, Đức, Mỹ, Anh và Nhật Bản nhằm khiến đồng USD giảm giá tương đối so với yen Nhật và Mark Đức.
Theo đó, Mỹ lên kế hoạch cắt giảm thâm hụt liên bang, Nhật Bản nới lỏng chính sách tiền tệ và Đức thì cắt giảm thuế.
Hay nói cách khác, các quốc gia tham gia thỏa thuận này sẽ đồng ý thực hiện biện pháp cụ thể để đạt được mục tiêu làm đồng USD mất giá.
Kết quả là Hiệp ước Plaza 1985 giúp USD mất giá khoảng 50% so với Yên Nhật và 40% so với Mark Đức, qua đó hỗ trợ ngành công nghiệp Mỹ và khuyến khích các nhà sản xuất Nhật và Đức chuyển một phần sản xuất sang nền kinh tế số 1 thế giới.
Tuy nhiên, khác với năm 1985, hiện tại Mỹ khó có thể đạt được sự hợp tác từ các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản hay Đức để tham gia “Hiệp ước Plaza 2.0”.
Đây là lúc thuế quan trở thành "công cụ" đàm phán quan trọng.
Báo cáo của Stephen Miran đề xuất 3 biện pháp trừng phạt chính nhằm “ép” các đối tác thương mại của Mỹ tham gia vào “Hiệp ước Plaza 2.0” bao gồm:
(1) Đánh thuế hàng xuất khẩu vào Mỹ đối với các quốc gia không tham gia hiệp ước;
(2) Rút "ô bảo vệ an ninh" (US security umbrella) của Mỹ đối với các quốc gia không hợp tác (chẳng hạn như các nước thuộc Liên minh Châu Âu - EU).
(3) Đánh thuế thu nhập từ lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ do các ngân hàng trung ương của các quốc gia không tham gia hiệp ước đang nắm giữ (ví dụ: Trung Quốc).
Tham gia vào “Hiệp ước Plaza 2.0” hay “Hiệp ước Mar-a-Lago” sẽ đòi hỏi ngân hàng trung ương các đối tác thương mại Mỹ (ví dụ: PBoC, BoJ, ECB) phải bán lượng dự trữ USD “thừa” (vượt mức cần thiết để nhập khẩu từ 3-4 tháng) và mua đồng nội tệ trên thị trường mở.
Rủi ro đối với Mỹ
Tuy nhiên, sách lược này cũng sẽ gặp hai rủi ro chính, bao gồm:
(1) Hàng rào thuế quan sẽ làm lạm phát leo thang, gây áp lực lên người tiêu dùng Mỹ
(2) Việc ngân hàng trung ương các nước bán trái phiếu kho bạc Mỹ có thể đẩy lãi suất USD tăng cao
Để “giảm xóc” cho thị trường, ông Miran đã gợi ý áp thuế quan một cách có lộ trình để tránh các đợt tăng giá đột ngột. Ban đầu mức thuế 2% sẽ được áp dụng cho các nước, và đe dọa tăng thêm 2% mỗi tháng nếu quốc gia bị áp thuế không hợp tác.
Nếu USD mất giá 20%, theo tính toán của nhà kinh tế này, GDP của Mỹ có thể tăng từ 1-2% nhưng sẽ đẩy lạm phát tăng thêm tới 1%. Để giảm bớt tác động tiêu cực, ông Trump có thể nới lỏng quy định sản xuất năng lượng nội địa (“Drill Baby Drill”) - hoạt động được dự báo sẽ làm lạm phát giảm 0,5%.
Đối với việc kiểm soát lãi suất USD, ông Miran cho rằng cần “khuyến khích” NHTW các nước cơ cấu lại tỷ trọng nắm giữ tín phiếu kho bạc (T-Bills) và trái phiếu kho bạc Mỹ (T-Bonds) nhằm tận dụng "modified duration" của hai loại tài sản này để giảm xóc cho thị trường.
Vị chuyên gia này cho rằng việc làm đồng bạc xanh suy yếu là điều kiện tiên quyết để đạt mục tiêu tái định vị sản xuất và mang việc làm quay trở lại Mỹ./.