Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Phấn đấu CPI năm 2024 không vượt quá 4%
16:33 30/10/2024
Tại phiên họp, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong 10 tháng năm 2024, mặt bằng giá thị trường trong nước biến động theo quy luật tăng cao vào tháng Tết đầu năm sau đó giảm và tương đổi ổn định trong các tháng tiếp theo.
So với tháng 12/2023, CPI tháng 9 năm 2024 tăng 2,18% và tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2024, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm 2023.
Trên cơ sở tổng hợp thông tin đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 kịch bản điều hành giá.
Theo đó, kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,7% so với năm 2023. Kịch bản 2, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,92% so với năm 2023.
Giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỉ lệ như nhau so với tháng trước thì trong thời gian còn lại của năm 2024, CPI còn dư địa tăng khoảng 0,98-1,95% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 trong khoảng 4,0-4,5%.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng báo cáo cụ thể về công tác quản lý điều hành chính sách tài khóa; tiền tệ; điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, LPG/Gas, điện; dịch vụ vận tải; vật liệu xây dựng; thóc gạo, thực phẩm tươi sống, thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi; dịch vụ y tế; giáo dục; bưu chính, viễn thông; diễn biến thị trường bất động sản và quyền sử dụng đất).
Tại cuộc họp, sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá, dù công tác quản lý, điều hành giá chịu tác động không thuận từ bên ngoài, cũng như yếu tố khách quan, nhưng dưới sự chỉ đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội vào sự vào cuộc quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã đạt được mục tiêu.
Về nhiệm vụ quản lý điều hành giá trong những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024, CPI bình quân không vượt quá 4%.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi sát diễn biến các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình thế giới có tác động đến thị trường trong nước (trong đó có thị trường xăng dầu) để sẵn sàng các giải pháp, kịch bản quản lý, điều hành giá linh hoạt, hiệu quả.
Đồng thời, bảo đảm thông suốt các hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu./.