Tại họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, phù hợp, linh hoạt đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát (dưới 4,5%) và tăng trưởng GDP 7,08%.
Theo đó, NHNN điều hành lãi suất, cho vay trên thị trường mở, mua bán trái phiếu, tín phiếu đảm bảo thanh khoản của từng ngân hàng và toàn hệ thống. Cùng với đó, việc điều hành hạn mức tín dụng linh hoạt, cởi mở, không có ngân hàng thương mại (NHTM) nào thiếu room cho vay. Cơ chế giúp đẩy vốn ra thị trường kịp thời.
"Đến nay, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức 15,08%, đã đạt được mục tiêu đề ra từ đầu năm. Tính đến cuối 2024, tổng dư nợ toàn hệ thống đạt 15,3 triệu tỷ, tăng hơn 2 triệu tỷ so với cuối năm 2023 (13,6 triệu tỷ)", Phó Thống đốc cho hay.
Bên cạnh đó, nhà điều hành tiếp tục chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng như:Chương trình 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ (quy mô ban đầu là 120.000 tỷ); Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản;...
Trong năm 2025, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%. Tuy nhiên theo Phó Thống đốc, con số 16% chỉ là con số mang tính định hướng trong điều hành chứ không phải là con số pháp lệnh, mục tiêu cuối cùng là kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế, đảm bảo giá trị tiền đồng.
Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, yêu cầu các TCTD thực hiện báo cáo và công bố công khai mức lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân trên trang thông tin điện tử của TCTD..
Tính đến hết năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động tăng 0,71%, mặt bằng lãi suất cho vay giảm 0,59% so với đầu năm, riêng lãi suất cho vay tại các NHTM đã giảm trung bình gần 1%.
Về tỷ giá, NHNN điều hành linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường.
"Trong năm 2024, có lúc tỷ giá tăng đến hơn 7%. tuy nhiên so với các nước khác thì Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ giá ổn định. Tính đến cuối năm, tỷ giá USD/VND đã tăng 5,03%", Phó Thống đốc chia sẻ.
Về phương án tái cơ cấu các ngân hàng, trong năm hệ thống đã hoàn tất việc chuyển giao bắt buộc hai ngân hàng yếu kém là OceanBank và CBBank về MB và Vietcombank. Ông cũng cho biết NHNN sẽ tiếp tục xử lý các ngân hàng đang kiểm soát đặc biệt còn lại.
"Hai ngân hàng, NHNN đang trình phương án tái cơ cấu lên Chính phủ thì kỳ vọng trước tết âm lịch sẽ xong", ông Đào Minh Tú chia sẻ.
Riêng SCB, NHNN tiếp tục các biện pháp duy trì hoạt động ổn định, đảm bảo các khoản tiền gửi, xử lý tồn tại, yếu kém, vi phạm trước đây trên nguyên tắc đảm bảo quy định của pháp luật. Đồng thời, xây dựng phương án tái cơ cấu tích cực sớm nhất có thể để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt./.
Nguồn tham khảo: Doanh nhân Việt Nam